Hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ sôi động trở lại, nhất là sau đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5, họ mong chờ khá nhiều vào dịp hè năm nay. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến nhiều chủ khách sạn buộc phải rao bán vì không còn chịu đựng được nữa. Số lượng thông tin rao bán khách sạn tăng đáng kể trong thời gian gần đây.
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 6 tháng đầu năm 2021, du lịch tiếp tục chịu sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ước tính số liệu khách du lịch nội địa đạt 30,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Vì áp lực không trả nổi tiền lãi nên họ buộc lòng phải rao bán. Họ cũng thừa biết nếu rao bán trong thời điểm này thì không được giá hoặc có thể bị ép giá. Dịch COVID-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến ngành Du lịch kiệt quệ. Tại Hà Nội, TPHCM dễ dàng bắt gặp những biển rao bán khách sạn giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng/khách sạn. Sau 3 đợt dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch chưa hồi phục trở lại và nhận tiếp “cú đấm bồi” ở đợt dịch lần thứ 4 khiến doanh nghiệp kiệt quệ. Theo Sở Du lịch TP HCM, lượng khách du lịch giảm mạnh dẫn đến công suất phòng lưu trú giảm, giá phòng giảm, doanh thu không ổn định để duy trì, bù đắp chi phí vận hành, rất nhiều đơn vị đã cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động để hạn chế chi phí tối đa.
Không chỉ các doanh nghiệp rao bán khách sạn mà cả ngân hàng thương mại cũng rao bán khách sạn là tài sản thế chấp của khách hàng để xử lý, thu hồi nợ. Xu hướng ngân hàng rao bán khách sạn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, nhiều tài sản thế chấp được rao bán 3-4 lần vẫn chưa xử lý được. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển phân tích làn sóng rao bán khách sạn sẽ còn diễn ra trong thời gian tới, đặc biệt là những chủ khách sạn vay vốn ngân hàng từ 70%-80% để đầu tư, kinh doanh khách sạn. Nay dịch bệnh kéo dài, không có nguồn thu, phải bán khách sạn để trả nợ vay hoặc bị ngân hàng xiết nợ. Chủ một công ty du lịch ở TP HCM có hệ thống 2 resort phân tích khách sạn là ngành kinh doanh dịch vụ du lịch đặc thù, không thể đóng cửa trong thời gian dài nếu không có khách bởi các trang thiết bị nội thất, phòng ốc… sẽ xuống cấp. Do đó, làn sóng rao bán khách sạn sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Trong nửa đầu năm 2021, TP HCM có hơn 50% cơ sở lưu trú hạng 3 sao hoặc tương đương tạm ngưng hoạt động; các cơ sở lưu trú hạng 4 sao và 5 sao hoặc tương đương hoạt động cầm chừng. Doanh thu lưu trú giảm 70%, doanh thu hoạt động ăn uống giảm 80%, doanh thu các hoạt động dịch vụ khác giảm 68% so với năm 2019… Tại TP Đà Nẵng, từ sau Tết nguyên đán đến nay, hàng loạt khách sạn đã rao bán vì không chịu nổi áp lực của dịch Covid-19. Hiện TP Đà Nẵng có 943 khách sạn với số lượng khoảng 40.000 phòng. Phần lớn các khách sạn đều đóng cửa hoặc chỉ mở để duy trì hoạt động. Trên các sàn giao dịch bất động sản, nhiều đơn vị rao bán khách sạn. Cụ thể, một khách sạn đường Trần Bạch Đằng có diện tích 90 m2 với 19 phòng được rao bán giá 21 tỉ đồng. Khách sạn mặt tiền đường Hồ Nghinh 19 phòng với giá 22 tỉ đồng…
Tại tỉnh Khánh Hòa, trên dưới 100 khách sạn đang rao bán. Giá bán khách sạn đang xuống dốc nhưng lượng giao dịch hạn chế. Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 1.147 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng; trong đó có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 – 5 sao. Các khách sạn đa số đóng cửa, khoảng 400 cơ sở vẫn hoạt động nhưng cầm chừng. Khảo sát trên các website bất động sản, hàng loạt khách sạn 2-3 sao ở Nha Trang rao bán với nhiều mức giá từ vài chục tỉ đồng đến vài trăm tỉ đồng. Một khách sạn đường Phạm Văn Đồng có diện tích 220 m2, mặt tiền ngang 14 m, mới xây dựng cao 17 tầng, có sổ đỏ sở hữu lâu dài… đang rao bán với giá 110 tỉ đồng.
Hàng loạt khách sạn ở những địa điểm du lịch nổi tiếng ở TP HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng… đang rao bán với giá rẻ hơn trước dịch Covid-19 nhưng vẫn vắng người mua