Gần đây, thông tin rao bán cắt lỗ nhà đất , để thu hồi vốn, trả gốc lãi cho ngân hàng đang xuất hiện khá phổ biến. Một số nhà đầu tư có tiềm lực tài chính có nhu cầu mua gom, chờ thời cơ. Pháp lý của các bất động sản bán cắt lỗ thời điểm này là vấn đề cần lưu tâm hàng đầu.
Người mua cần có kinh nghiệm kiểm tra kỹ các thông tin về giá bán do người bán đưa ra để nhận định xem giá bán có giảm thật sự hay không. Giá so với mặt bằng chung của khu vực như thế nào. Các nhà đầu tư cho biết, trong hàng trăm thông tin rao bán cắt lỗ nhà đất mỗi ngày, cũng có những căn nhà, mảnh đất có giá khá hợp lý so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhiều nhà đầu tư cho biết, việc rao bán cắt lỗ là có, nhưng thông tin thật lại không nhiều. Bởi lợi dụng tâm lý ham mua rẻ, nhiều môi giới thường đăng tin bán cắt lỗ, đến lúc khách hàng vào hỏi giá lại hướng sang căn khác có giá trị cao hơn. Từ đó, thông tin của khách hàng sẽ nhanh chóng bị chia sẻ trong các nhóm môi giới, nên nhiều người bị làm phiền, chào mời liên tục mua những dự án khác thông qua điện thoại.
Khảo sát thực tế cho thấy không phải thông tin rao bán nào cũng chính xác. Nhiều môi giới đưa thông tin bán nhà đất với giá hời, nhưng khi người mua gọi tới, lại gợi ý họ mua một bất động sản khác. Từ quảng cáo bán đất giá 13 triệu đồng/m2, môi giới lại xoay sang giới thiệu lô khác giá 30 triệu đồng/m2. Theo các nhà đầu tư, đây là “độc chiêu” bán hàng quen thuộc được nhiều môi giới áp dụng. Mục đích chính là thu hút sự quan tâm của người mua giữa hàng trăm thông tin rao bán nhà đất mỗi ngày. Các chuyên gia cho rằng, việc rao bán cắt lỗ là có, đối với các nhà đầu tư thiếu hụt tài chính, nhất là đi vay ngân hàng để đầu tư, nhưng chỉ là số ít.
TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đặc biệt là nhân viên môi giới. Những khó khăn mà dân môi giới gặp phải không thua kém công nhân bị mất việc. Để tồn tại, các nhân viên môi giới xoay đủ cách. Một trong những cách là họ săn hàng giá rẻ để mua, sau đó rao bán lại ăn tiền chênh. Ví như, với mảnh đất nền giá khoảng 1,5 tỷ đồng, vài môi giới góp tiền mua (thông thường họ chỉ đặt cọc) rồi lập tức rao bán lại với giá tầm 1,8 – 2 tỷ đồng. Nếu gặp được trường hợp nào người bán cần tiền thì lúc đó ép giá và ăn tiền chênh sẽ lớn hơn.
Khi môi giới mua được hàng, họ dùng chiêu rao bán cắt lỗ để gây sự chú ý với khách hàng, nhưng thực chất giá bán “cắt lỗ” vẫn ngang bằng với giá trên thị trường, không có chuyện giảm vài trăm triệu đồng như những người này quảng cáo. Dạo qua các diễn đàn bất động sản, đâu đâu cũng xuất hiện những cụm từ như: “do ảnh hưởng của dịch, cần tiền bán gấp”, hay “cắt lỗ chung cư”, “bán cắt lỗ gấp”. Vào công cụ tìm kiếm Google, chúng tôi gõ cụm từ “bán căn hộ cắt lỗ”, sau 0,52 giây đã cho ra hơn 2,6 triệu kết quả liên quan.
Hiện trên thị trường có trường hợp bán cắt lỗ thật và bán cắt lỗ ảo. Trong đó, những dự án lỗ thật là dự án đang tranh chấp, vướng pháp lý, bán cắt lỗ để tránh ôm hàng, hoặc một vài người khó khăn đột xuất về tài chính cần bán gấp. Lỗ ảo thực chất là giảm bớt lãi giá chênh lệch giữa lần mở bán đầu với lần mở bán sau. Người mua sản phẩm đợt đầu có thể lời từ 15 đến 20% so với người mua những đợt sau, vì vậy dù có bán lỗ 5 – 10% thì họ vẫn còn lợi nhuận. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, tại các dự án đang chào bán tuy không giảm giá trực tiếp, nhưng đã tăng chiết khấu, quà tặng, hỗ trợ lãi suất ngân hàng. Nhưng đây chỉ là những hỗ trợ tức thời, bởi tình hình quỹ đất và nguồn cung dự án mới tại TP.HCM vẫn khan hiếm, do đó, sau khi dịch lắng xuống, bất động sản sẽ là một trong những ngành đầu tiên có thể phục hồi nhanh.
Chỉ cần gõ từ khoá “bán cắt lỗ sâu”, “bán giá thấp nhất thị trường”… do dịch Covid-19, lập tức có hàng nghin đường link rao bán chung cư xuất hiện. Nhiều căn hộ chung cư được người rao cắt lỗ hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong số đó, không thiếu tình trạng môi giới “treo đầu dê bán thịt chó”.
Cương nguyễn
(Tổng Hợp)