Sau khi nhận được đề cử từ Chính phủ, sáng nay (12/11), bà Nguyễn Thị Hồng đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bà Nguyễn Thị Hồng đã trở thành nữ thống đốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Làm phó thống đốc khi mới 46 tuổi
Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968, quê quán tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bà tốt nghiệp cử nhân tại Học viện Ngân hàng và có học vị Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
Bà Hồng bắt đầu sự nghiệp tại Ngân hàng Nhà nước vào năm 1991 với vị trí Chuyên viên Vụ Quản lý Ngoại hối. Sau 2 năm công tác, từ tháng 11/1993, bà chuyển sang công tác tại Vụ Chính sách tiền tệ. Tại đây, bà Hồng lần lượt giữ các chức vụ: Chuyên viên (11/1993-4/1995); Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Cán cân thanh toán quốc tế (4/1995-4/2008); Phó Vụ trưởng (4/2008-7/2011); Phó Vụ trưởng phụ trách (8/2011-1/2012).
Đến tháng 1/2012, bà được bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Tháng 8/2014, bà được bổ nhiệm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bà Hồng được đảm nhiệm vị trí này khi mới 46 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hồng từng đảm nhiệm nhiều vị trí trước khi giữ ghế phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Báo Thanh Tra |
Đến nhiệm kỳ tiếp theo, bà tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm lại giữ chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào tháng 8/2019. Ở vị trí phó thống đốc, bà Hồng được phân công phụ trách công tác chính sách tiền tệ, tín dụng, dự báo, thống kê tiền tệ; theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, ngoài nước; các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng trung ương; công tác thi đua, khen thưởng.
Đặc biệt, bà Hồng phụ trách công tác thông tin tuyên truyền, báo chí và là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2019, bà Hồng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam .
Trước khi giữ ghế thống đốc, vào tháng 8/2020, bà được bầu làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Hồi cuối tháng 10 vừa qua, bà được Đại hội Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.
Tăng dự trữ ngoại hối, không hạ chuẩn cho vay
Một trong những thành tích nổi bật của Ngân hàng Nhà nước trong nhiệm kỳ vừa qua của ông Lê Minh Hưng và bà Nguyễn Thị Hồng là dự trữ ngoại hối tăng liên tục.
Nếu như hồi cuối năm 2017, dự trữ ngoại hối mới ở mức 51,5 tỷ USD, thì đến tháng 1/2020, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD. Tổng kết vào cuối tháng 9/2020, con số ở mức 92 tỷ USD. Như vậy trong vòng chưa đầy 3 năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 40,5 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Nếu đạt con số 100 tỷ USD vào cuối năm nay thì dự trữ ngoại hối đã tăng gần gấp đôi sau 3 năm.
Trong những cuộc họp báo gần đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ngân hàng Nhà nước phát biểu nhiều ý kiến quan trọng. Trong đó, bà chỉ ra 3 khó khăn thách thức trong 6 tháng cuối năm là vấn đề tăng trưởng tín dụng, việc giảm lãi suất và nợ xấu.
Trong cuộc họp báo hồi tháng 9, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất cho vay và huy động. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay. Qua đó giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay.
Tại buổi họp báo vào tháng 10, trước tình hình 14/16 ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh trong quý III có nợ xấu tăng trung bình 30%, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã có chỉ đạo. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ toán nợ, gỡ khó cho doanh nghiệp và người dân.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng từ lâu là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước, chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng gần đây. Ảnh: Thời báo Ngân hàng |
Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước thống nhất quan điểm không hạ chuẩn cho vay. “Nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây, gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Hồ sơ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Đồ hoạ: Tất Đạt |
http://phunumoi.net.vn/chan-dung-nu-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dau-tien-cua-viet-nam-i215357.html