Trong tương lai, nhu cầu đầu tư an toàn, giữ tài sản là trên hết. Sản phẩm cần ở những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết tốt, văn hóa đặc sắc… và đặc biệt là có thể sở hữu lâu dài và di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
không ít khách hàng và nhà đầu tư bất động sản tỏ ra thận trọng trong các quyết định mua bán, đầu tư. Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp tạm dừng hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thì nhiều doanh nghiệp khác vẫn mạnh tay đầu tư với mục tiêu dẫn dắt thị trường và dẫn dắt dòng tiền của khách hàng, nhà đầu tư.
Tại tọa đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19: Dẫn dắt dòng tiền”, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư đã cùng thảo luận về xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản và hướng đi của dòng tiền vào những xu hướng mới này.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản sau Covid-19. Trong số này, minh chứng rõ ràng nhận thấy nhất là tỷ lệ thấp thụ đã được cải thiện qua các quý. Nếu quý 1/2020, khi Covid-19 bất ngờ ập đến cả thị trường đóng băng, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% thì sang quý 2, tỷ lệ hấp thụ đã đạt 37% và đạt 50% trong quý 3.
“Có thể thấy, qua từng quý thấy được sự hồi trở lại, dự báo sang quý 4 – quý cuối năm chỉ số này còn tốt hơn. Thị trường trở lại quy luật của mọi năm, các về cuối năm giao dịch ghi nhận càng tốt hơn”, ông Đính nói.
Đặc biệt theo ông Đính, các dòng sản phẩm trung cấp khoảng 25-35 triệu đồng/m2 có tỷ lệ giao dịch rất tốt. “Ế” nhất vẫn là các căn hộ cao cấp với giá quá cao, trên 50 triệu đồng/m2. Ông Đính cũng cho biết ông đồng tình với quan điểm các diễn giả tại toạ đàm về việc thiếu hụt nguồn cung bất động sản. Điều này khiến cho các thị trường truyền thống này chậm lại, trong đó ảnh hưởng rõ thấy nhất là ở Hà Nội, TP.HCM.
Bên cạnh những đánh giá về tín hiệu phục hồi của thị trường bất động sản, phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thọ Tuyển cho rằng, Covid-19 thực ra rất tốt cho bất động sản.
“Covid-19 thực ra tốt cho bất động sản khi xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, họ không biết cất tiền vào đâu và đã chọn bất động sản. Mặt khác,Covid-19 khiến thói quen của người dùng thay đổi, từ đó, các sản phẩm bất động sản cũng buộc phải thay đổi theo, hướng tới sự phát triển lành mạnh và bền vững. Và thực tế là, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng”, ông Tuyển nói.
Tại tọa đàm, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu Tư, Savills Hà Nội cho biết: “Thị trường bất động sản trong năm nay đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Bên cạnh những thách thức đặt ra bởi đại dịch cũng như kinh tế tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản vẫn chịu tác động mạnh bởi những bế tắc chính chưa được tháo gỡ cũng như sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác”.
Theo báo của Savills, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn và bán lẻ đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Tình trạng này đã bắt đầu từ tháng 3 và “thậm chí vẫn còn được kéo dài đến thời điểm hiện tại”.
Theo ghi nhận của Savills, chỉ số ADR tại phân khúc khách sạn đã giảm xuống 40- 50% so với thời điểm trước đại dịch. Tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn cũng đang chật vật ở mức 30-40% ở các ngày trong tuần.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản văn phòng, đất nền và chung cư lại chịu ít ảnh hưởng hơn. Đối với thị trường văn phòng, giá cho thuê không hề có sự thay đổi tại các phân khúc cao cấp hạng B và A so với cùng kỳ năm ngoái.
“Thị trường chung cư và đất nền, do bản chất về nguồn cung thực tế tại thị trường vẫn rất ít, do đó giá cũng như số lượng giao dịch đã và đang có những chuyển biến tốt trong thời gian vừa qua”, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản trong nước đã bước vào trạng thái bình thường mới, với việc đại dịch Covid-19 đã được khống chế ở Việt Nam trong khi vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Bên cạnh những thách thức đặt ra bởi dịch bệnh, kinh tế tăng trưởng chậm lại, thì thị trường bất động sản vẫn chịu tác động mạnh bởi nút thắt chính sách chưa được tháo gỡ cũng như sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác.
Những diễn biến này khiến không ít khách hàng và nhà đầu tư bất động sản tỏ ra thận trọng trong các quyết định mua bán, đầu tư. Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp tạm dừng hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, thì nhiều doanh nghiệp khác vẫn mạnh tay đầu tư với mục tiêu dẫn dắt thị trường và dẫn dắt dòng tiền của khách hàng, nhà đầu tư.
Theo đó, điều mà các doanh nghiệp đang quan tâm là nên thu hẹp hay mở rộng đầu tư trong một môi trường đầy thách thức mới; những thị trường nào có thể tranh thủ dòng tiền ngay thời kỳ hậu Covid-19 và đâu là những dư địa có thể khai thác lâu dài?!
Phân tích về hành vi người dùng và sự thay đổi dòng sản phẩm bất động sản, chuyên gia nhận định, hiện tại và trong tương lai, nhu cầu của người mua nhà là cần một nơi để sống chứ không chỉ là một nơi để ở. Do đó, các dòng sản phẩm nhà ở phải thay đổi khi người dùng ưu tiên mua những sản phẩm đầy đủ các yếu tố, có quy mô, tiện ích, cảnh quan, an ninh, dịch vụ thông minh.
Đối với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng làm mưa làm gió ở thị trường bất động sản Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Tuyển nhìn nhận, trong quá khứ, các chủ đầu tư tập trung vào nhu cầu phục vụ kỳ nghỉ của khách. Trong khi hành vi này diễn ra với tần suất rất ít trong một năm. Điều này dẫn tới việc nguồn cung bị dư thừa, tỷ lệ khai thác thấp. Do đó, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng đang có sự thay đổi rất đáng kể. Sản phẩm cần ở những nơi có cảnh quan, địa hình, thời tiết tốt, văn hóa đặc sắc… và đặc biệt là có thể sở hữu lâu dài và di chuyển bằng phương tiện cá nhân.
Khoảng 5 năm trở lại đây, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển “nở rộ” với hàng loạt dự án quy mô lớn tại các thành phố du lịch biển như Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng…
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Covid-19 đã làm đảo trục tư duy của chủ đầu tư và cả khách hàng. Thay vì “xuống biển” nghỉ dưỡng, du khách có xu hướng tìm đường “lên núi” để được hoà mình vào sống xanh với không khí trong lành mát mẻ. Phong cách sống trở về với thiên nhiên để “nuôi cá và trồng thêm rau” đang là lựa chọn của đại đa số tầng lớp trung lưu đang sinh sống và làm việc tại Tp.HCM và các đô thị lân cận.