Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn khó khăn, thách thức, bao gồm thách thức về nguồn vốn, giá bán bất động sản đã tăng quá cao. Thời gian tới giá bất động sản tại TP.HCM chủ đạo sẽ là đi ngang và giảm nhẹ…
Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, cho rằng nhu cầu thực được cho là “điểm sáng” tháo gỡ khó khăn, nên các chủ đầu tư đều tái cơ cấu nợ, chính sách bán hàng, tập trung tất cả hoạt động vào việc phục vụ nhu cầu này của khách hàng.
“Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá bất động sản cần giảm tiếp”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Đinh Minh Tuấn cũng dự báo, trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại, người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản, đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền vào “bắt đáy”, mở thanh khoản, khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn và giải cứu thị trường.
Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2022 đến nay, giá bất động sản (BĐS) có xu hướng chung là chững lại, chỉ tăng ở một số vị trí, loại sản phẩm. Thậm chí ở nhiều nơi xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ giá đã giảm, nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều đang phải tìm cách bán cắt lỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, BĐS chỉ giảm giá ở một số phân khúc bị thổi giá thời gian qua, một số phân khúc có giá đất quá ảo. Còn với những phân khúc phục vụ nhu cầu thực, việc giảm giá là rất khó trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Trong thời gian gần đây, giá BĐS liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào BĐS đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Đang có sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, những tháng cuối năm, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt, trong khi thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kênh đầu tư bất động sản hiện nay đang trầm lắng nhưng không “đóng băng”. Bước sang năm 2023, nhờ những điều chỉnh tích cực từ Nhà nước, thị trường này sẽ dần khởi sắc. Có thể đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.
Đưa ra nhận định về “sức khoẻ” thị trường bất động sản trong năm tới, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian qua phần nào bị ảnh hưởng bởi biến động trên thế giới như lạm phát, giá hối đoái giữa các đồng tiền ngoại tệ, tình hình khan hiếm xăng dầu và các bất ổn chính trị – xã hội ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng chịu những tác động kinh tế này. Do đó, năm 2023 thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng.
Trước những tín hiệu tích cực xuất hiện ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào năm sau. Tuy nhiên, nguồn cung bất động sản vẫn sẽ ở mức khiêm tốn khi những khó khăn về pháp lý chưa được tháo gỡ dứt điểm.
Nói về tính thanh khoản của thị trường, ông Khương cho rằng, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Với những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng thì vẫn hoạt động tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Đối với những dự án chưa đủ điều kiện, các chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần có thêm nguồn vốn bổ sung từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.
Tổng Hợp
(VnE, Thời Báo Tài Chính Việt Nam, Nhịp Sống Thị Trường)