Lãi suất liên tục hạ, hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng có tìm đường chảy vào bất động sản.
Mặc dù thị trường bất động sản thời gian qua rơi vào tình cảnh trầm lắng, ảm đạm nhưng nhu cầu sở hữu bất động sản ở thực, kinh doanh…vẫn luôn có.
Tuy nhiên, sức cầu hiện bị ảnh hưởng chung do tâm lý thị trường. Do đó, nhiều nhà đầu tư hiện vẫn quan tâm đầu tư bất động sản nhưng trong tâm thế chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường. Dòng tiền của các nhà đầu tư hiện đang “trú ngụ” ở các kênh đầu tư khác, đặc biệt kênh gửi tiết kiệm ngân hàng được lựa chọn nhiều.
Kể từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2022, chính sách tiền tệ tại Việt Nam có sự nới lỏng khá mạnh, tăng trưởng tín dụng luôn xấp xỉ ở mức cao, từ 18 – 20% và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm ở các kỳ hạn. Việc nới lỏng tiền tệ đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế để duy trì mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, việc dòng tiền dễ đi vào thị trường đẩy giá một số tài sản, kênh đầu tư tăng trưởng khá mạnh. Trong vòng 10 năm qua, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng gần gấp bốn lần so với lúc khởi điểm năm 2012, giá trị giao dịch vượt ngưỡng 1 tỷ đô la Mỹ/ngày. Đặc biệt là thị trường BĐS, liên tiếp trong nhiều năm tăng trưởng “nóng”, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15% mỗi năm.
Tại báo cáo mới đây của VnDirect, nhóm phân tích của đơn vị này cho rằng thời điểm khó khăn nhất của thị trường dường như đã ở lại phía sau nhưng những thách thức vẫn còn đó. Các nhà đầu tư bất động sản cần theo dõi sát sao thực trạng các kênh dẫn vốn, quy trình tháo gỡ thủ tục pháp lý và diễn biến thị trường nhà ở xã hội để đánh giá sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung.
Có một sự khác biệt lớn giữa thời điểm hiện tại và giai đoạn 2011-2012. Giai đoạn trước đó thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn trực chờ ở mức cao. VnDirect đưa ra dự báo thận trọng hơn cho rằng, thị trường sẽ vẫn trầm lắng trong năm tới, sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 và sẽ phục hồi nhanh hơn giai đoạn trước khi chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng hơn.
Chỉ sau một tuần mở lại kênh huy động vốn tín phiếu (bắt đầu từ 21/6), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút về lượng tiền hơn 85.000 tỷ đồng. Giai đoạn tiền rẻ thực sự đã qua đi, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức buộc phải thận trọng hơn nữa với các quyết định rót tiền ra.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, khi mà DN sẽ hạn chế vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh do lo ngại rủi ro lãi suất. Sức cầu trong nền kinh tế cũng có thể tăng chậm hơn trong môi trường cung tiền thắt chặt và lãi suất cao hơn.
Với mảng kinh doanh BĐS, cho dù đại diện NHNN đã nhiều lần phát ngôn là cơ quan này không có chủ trương siết tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tháng cuối năm 2022, dòng tiền của DN đã suy giảm mạnh, khả năng thanh toán lãi vay ở mức thấp, khả năng trả nợ suy giảm trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu ở mức cao, các kênh vốn chính của DN còn nhiều khó khăn …
Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường là 77.000, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19.200 DN rút lui khỏi thị trường. Riêng về lĩnh vực BĐS, trong quý 1/2023, số lượng DN thành lập mới giảm mạnh 63,2% so với cùng kỳ năm 2022; số lượng giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý 1/2023, có thêm khoảng 30 – 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, dữ liệu của Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, ước lượng số môi giới đang hoạt động trong quý 1/2023 chỉ còn khoảng 30 – 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Ảnh hưởng trực tiếp đến 40 ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… ngành bất động sản lâm nguy là rủi ro lớn đối với kinh tế Việt Nam.
Tổng Hợp
(KTĐT)