Việc tìm hướng ra cho cơ chế đấu giá đất tiếp tục là bài toán nan giải và trở thành vấn đề gây nhiều tranh luận ở dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang lấy ý kiến rộng rãi các thành viên thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi cho biết, một trong những định hướng sửa đổi Luật lần này là công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Theo đó, dự thảo quy định chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn động lực phát triển, có yêu cầu hạ tầng đồng bộ về kiến trúc…
Tại Hà Nội, từ tháng 8/2022, các phiên đấu giá ở các huyện Mê Linh, Đông Anh không còn ghi nhận việc trả giá cao, có phiên còn không có khách trả giá. Bên cạnh đó, tình trạng người đấu giá không đóng tiền dẫn tới phải hủy kết quả đấu giá cũng trở nên phổ biến hơn. Cần lưu ý thêm rằng, hoạt động đấu giá đất tại Hà Nội không còn hấp dẫn nhà đầu tư phần nào còn do UBND Thành phố ban hành Quyết định 32/QĐ-UBND ngày 16/9/2022 yêu cầu tiếp tục siết chặt công tác đấu thầu, đấu giá đất đai đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất của tổ chức đấu thầu.
Hay tại Hải Dương, từ đầu năm đến đầu tháng 9/2022, huyện Kim Thành đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng 50 thửa đất với tổng diện tích trên 6.400 m2 tại vị trí quy hoạch dân cư mới thuộc các xã Phúc Thành, Kim Tân và Ngũ Phúc với tổng số tiền gần 135 tỷ đồng, lý do bởi khách hàng trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Ông Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương cho biết, một loạt địa điểm vừa tổ chức đấu giá đất ở các xã Quang Minh (Gia Lộc), Chí Minh, Tân Kỳ (Tứ Kỳ), Long Xuyên (Bình Giang), Hợp Tiến, An Lâm (Nam Sách)… đều trong tình trạng ế khách, với tỷ lệ đấu giá thành công chưa đến 60%. Theo ông Sơn, nguyên nhân của tình trạng này, bên cạnh việc các ngân hàng siết chặt cho vay lĩnh vực địa ốc, còn do Luật Đất đai sẽ được sửa đổi theo hướng hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, khiến các nhà đầu tư cũng như giới “đầu nậu” đất đai thận trọng hơn.
Tương tự, cuối tháng 8/2022, UBND TP. Pleiku đã hủy kết quả trúng đấu giá đối với 11 người đấu trúng 29 lô đất trong đợt đấu giá 104 thửa đất tại khu quy hoạch chi tiết khu dân cư phường Chi Lăng hồi tháng 3/2022 vì không nộp tổng số tiền 30 tỷ đồng theo quy định.
UBND huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cũng vừa ra quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất tại Khu đô thị Khóm 6, thị trấn Diên Sanh do người trúng đấu giá không nộp đủ số tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Trên thực tế, trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 6/2022, nhiều phiên đấu giá đất ở nhiều địa phương đều đạt mức giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, nhưng từ đó đến nay, khi thị trường bất động sản chững lại, các phiên đấu giá cũng trở nên kém hấp dẫn, thậm chí nhiều địa phương có hiện tượng ế khách.
Có nhiều sắc luật điều chỉnh việc đấu giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn thiếu các quy định bảo đảm việc đấu giá và sử dụng đất chặt chẽ, đúng mục đích. Điều này lý giải vì sao cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm hồi đầu năm nay do cơ quan chức năng kiểm soát, “luật chơi” không sai, “người chơi” không vi phạm, nhưng kết quả được cho là “làm nhiễu loạn thị trường bất động sản”.
Hiện nay, trình tự và thủ tục đấu giá do các tổ chức đấu giá tài sản (thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp) thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản 2016, trong khi việc thẩm định giá, xác định giá khởi điểm, xem xét năng lực người tham gia đấu giá, phê duyệt phương án đấu giá, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… lại chịu sự điều chỉnh của các luật khác như Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế (thuộc thẩm quyền của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính…).
Cũng cần thêm điều kiện đối với đất dùng để đấu giá quyền sử dụng đất là đất có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đất cần phải có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng Hợp