Thị trường bất động sản đang có những khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thức tế, giá bất động sản đang bị đẩy đi quá nhanh… vì các thông tin “ăn theo” hạ tầng, huyện lên quận…
Trên thị trường bất động sản trong những năm qua, việc các công ty nhà đất liên tục đẩy giá nhờ vào những thông tin về hạ tầng giao thông, hành chính… không còn là điều lạ. Nhiều nhà đầu tư cũng lợi dụng những thông tin có lợi của thị trường để lướt sóng, kiếm lời.
Tuy nhiên, cũng có không ít nhà đầu tư đã “sa lầy” trước những thông tin mà “cò đất” bơm thổi. Từ đó, để lại một thị trường ở mức giá cao và có nhiều rủi ro.
Đầu năm 2020, xuất hiện nhiều thông tin huyện Bình Chánh (TPHCM) rục rịch lên quận. Ngay sau đó, bất động sản khu Nam Sài Gòn liên tục được các “cò đất” chào bán đến người dân. Điểm nhấn được các “cò đất” thổi vào tai nhà đầu tư là việc huyện Bình Chánh sắp lên quận.
Theo kết quả rà soát của Sở Nội vụ TPHCM, huyện Bình Chánh hiện cơ bản hội đủ các tiêu chí để thành quận như cơ cấu kinh tế, thu nhập, dân số, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, quy trình thủ tục để chuyển đổi từ mô hình chính quyền nông thôn (huyện) sang chính quyền đô thị (quận) mất thời gian khá dài.
Lợi thế của huyện Bình Chánh là có các tuyến giao thông trọng điểm đi qua như: Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà, Long An; đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến quận 7; đường Võ văn Kiệt nối từ Quốc lộ 1A qua sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai. Ngoài ra quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.
Trước những thông tin nói trên, giá đất huyện Bình Chánh ngay lập tức có sự chuyển động. Ghi nhận từ năm 2018, giá đất huyện giá đất trung bình ở Bình Chánh khoảng 28 triệu đồng/m2. Đến thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên 39 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Cụ thể, giá đất ở xã Bình Hưng hiện trung bình là 80 triệu đồng/m2 (khu Trung Sơn lên tới 130 triệu đồng/m2), xã Phong Phú là 35 triệu đồng/m2, xã Vĩnh Lộc A là 28 triệu đồng/m2… Thống kê chung, giá đất tại Bình Chánh hiện thấp nhất là 9 triệu đồng/m2, cao nhất là 130 triệu đồng/m2.
Nói về mức độ tăng giá, xã Tân Nhựt dẫn đầu khi có độ tăng 79% so với khoảng thời gian đầu năm. Tiếp theo là các xã Lê Minh Xuân 60,5%, xã Bình Chánh là 27% và xã Vĩnh Lộc A là 23%.
Tương tự, vào cuối năm 2019, tại Hội nghị Thành ủy TPHCM, huyện Nhà Bè nằm trong đề xuất quy hoạch từ huyện lên quận. Thành ủy TPHCM cũng đề nghị lãnh đạo các huyện trao đổi với sở, ngành liên quan để tính toán lộ trình 5 năm, 10 năm để chuyển lên quận hoặc quận có nông nghiệp.
Sau khi có thông tin được đề xuất lên quận, giá bất động sản tại đây sẽ tăng đáng kể. Đơn cử, chỉ riêng từ năm 2017 đến nay, biên độ tăng giá đất cao nhất đã đạt mức gần 45%.
Trên địa bàn Nhà Bè, nhất là khu vực giáp ranh quận 7 đã liên tục bùng nổ các dự án nhà ở. Các “sale” liên tục “mồi chài” khách hàng bằng thông tin huyện Nhà Bè đã được đề xuất lên quận. Từ đó, giá nhà đất tại một số khu vực huyện của huyện Nhà Bè liên tục lên giá.
Với việc giá bất động sản liên tục lên cao, nhưng đến nay huyện Bình Chánh và Nhà Bè vẫn chưa thể trở thành quận. Đồng thời, thị trường bất động sản TPHCM “đứng hình” khiến không ít nhà đầu tư đến sau “sa lầy” và uống nước đục.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, mua đất nên khờ một chút, chậm một chút.
Giới cò đất luôn dùng những lời đường mật để “rót” vào tai khách hàng. Do đó, để có một thương vụ đầu tư chắc chắn với bất động sản, người mua nên ghi chép cẩn thận, nghe ngóng thông tin đầy đủ và “tuyệt đối không đi chốt nền theo event đám đông hò hét hào hứng”. Với những thông tin “sốt đất” nhờ sắp lên quận, người mua cần cẩn trọng. Đừng bao giờ sợ trâu chậm uống nước đục trong việc đầu tư bất động sản.
Quế Sơn