Sau đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt dòng vốn FDI dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang ngày một rõ nét hơn. Đây cũng chính là thời cơ vàng để bất động sản (BĐS) công nghiệp bứt phá.
3 lý do để bứt phá
Theo TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, có 3 lý do để giải thích cho xu thế này. Thứ nhất sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam từ 6,5 đến 6,8%, tăng tương đối đều đều trong nhiều năm. Thứ hai là tốc độ đô thị hóa cũng tương đối lớn, hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực.
Thứ ba, Việt Nam được xem như là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại. Đây có thể coi là những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trong lĩnh vực BĐS công nghiệp.
“Thêm nữa, với việc là một quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất…
Trước đây, Trung Quốc là cái nôi và nhà máy của thế giới, nhưng những năm gần đây, xu hướng đang dần được dịch chuyển về phía các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam” – TS Sử Ngọc Khương nhận định.
Dưới góc độ của một trong những nhà phát triển BĐS công nghiệp “cho thuê” lớn nhất tại Việt Nam, ông Greg Ohan – Phó Tổng Giám đốc BW Industrial cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng đang trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Vẫn còn những rào cản
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn ha, trong đó có 260 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68,7 nghìn ha, và 75 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 29,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 75,7%.
Như vậy, từ khi Việt Nam chỉ có khoảng 335ha đất dành riêng cho các KCN thời kỳ mở cửa năm 1986, đến nay con số này tăng lên gần 100.000. Đây là con số minh chứng sinh động nhất về tăng trưởng mạnh mẽ của KCN.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, dù là tiềm năng nhưng tốc độ thu hút đầu tư và phát triển các KCN Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo được nhiều đột phá, vì vẫn còn nhiều “rào cản”. Ví như thủ tục pháp lý thành lập KCN vẫn còn kéo dài nhiều năm do quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng còn chồng chéo, phức tạp. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh làm gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa lên rất cao.
Bởi vậy để phát triển thành công, Việt Nam cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng. Cùng đó, các chủ đầu tư BĐS công nghiệp bắt buộc phải nắm được nhu cầu của từng khách hàng, nhóm các ngành hàng thích hợp vào với nhau, bố trí tỷ trọng hợp lý.