Hiện nay, thiếu dòng tiền đang là mối lo lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản. Những tưởng động thái Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho các ngân hàng vừa rồi sẽ giúp tín dụng địa ốc “dễ thở” hơn, nhưng thiếu vốn triển khai dự án, thủ tục pháp lý vướng mắc… khiến nguồn cung nhà ở ngày càng khan hiếm…
Khi chủ đầu tư gặp khó, nguồn cung mới càng khan hiếm, từ đó càng đẩy tăng giá nhà, thì cơ hội mua nhà của phần lớn người lao động cũng trở nên xa vời hơn.Do việc bán hàng gặp khó nên lượng tồn kho nhà ở tăng rất cao, một phần trong đó là nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Nguyên nhân chính là do khoảng cách giữa giá sản phẩm và khả năng chi trả của người mua nhà ngày càng bị kéo dãn, chủ yếu nằm ở tiêu chí xét duyệt người mua nhà đối với nhà ở xã hội, hoặc xét duyệt tín dụng đối với nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có bộ tiêu chí phù hợp dành cho khách hàng có thu nhập vừa phải nhưng ổn định, đi kèm với chính sách hỗ trợ tài chính quyết liệt mới có thể giải quyết sớm tình trạng thừa nhà nhưng thiếu chỗ ở như hiện nay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cũng cho hay, để làm được dự án tại Thành phố trong thời điểm này là rất khó, một phần do thủ tục chặt chẽ và kéo dài (khoảng 5 năm), phần khác do các chi phí đầu vào như giá đất, giá nguyên vật liệu xây dựng… đều tăng cao. Trong khi đó, việc giải ngân của ngân hàng cho các dự án bị siết chặt, đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”.
“Giai đoạn 2007-2011, các doanh nghiệp bất động sản cũng từng rơi vào khó khăn do khủng hoảng tài chính, nhưng hiện nay khó khăn còn chồng chất hơn vì vừa vướng pháp lý, vừa không khơi thông được dòng vốn. Đáng lo ngại hơn, việc giải phóng hàng tồn kho rất ì ạch do tín dụng cho khách hàng vay mua nhà bị hạn chế”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm, trong những tháng cuối năm, doanh nghiệp này chọn phương án đầu tư chậm, chờ các chính sách pháp lý được hoàn thiện.
Không chỉ gặp khó về vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản còn gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án do việc cấp phép ngày một siết chặt. Chẳng hạn, kênh tín dụng ngân hàng (thường chiếm 60-70% nguồn vốn huy động của doanh nghiệp), hiện bị siết chặt, đa số doanh nghiệp rất khó tiếp cận, kể cả những ông lớn trong ngành. Kênh trái phiếu doanh nghiệp (chiếm khoảng 20-25% nguồn vốn huy động) cũng rất ảm đạm khi trong tháng 7/2022, chỉ duy nhất một doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu, giá trị phát hành cũng rất khiêm tốn. Tương tự, kênh phát hành cổ phiếu cũng chẳng khá hơn khi thị trường chứng khoán biến động khó lường. Về hoạt động bán hàng, từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2022, diễn biến giao dịch thị trường phía Bắc vẫn ảm đạm, doanh thu bán hàng giảm tới 60-70%.
Những rào cản cố hữu cùng với việc chờ đợi điều chỉnh các sắc luật liên quan đang tác động không nhỏ tới thị trường địa ốc. Một số chủ đầu tư đã hoãn lại kế hoạch phát triển dự án mới để nghe ngóng thêm tình hình.
Tổng Hợp