“Kinh tế thành phố tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động, thiệt hại kinh tế trong năm 2020 và năm 2021 trên địa bàn ước tính khoảng 273 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, phát biểu.
Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết, những tháng cuối năm nay và có thể đến năm 2022, tình hình dịch Covid-19 với biến chủng Delta vẫn gây ra nhiều vấn đề đáng quan ngại. Một nỗi lo khác cũng xuất hiện với biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến chủng Delta đến 500%. Bên cạnh đó, qua quãng thời gian căng mình chống dịch, thành phố cũng kịp rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện khó khăn nhất. Những tiền đề của thành phố cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025 là kinh tế số, tỷ lệ bao phủ vaccine, củng cố hệ thống y tế các cấp và người dân điều chỉnh hành vi tiêu dùng.
Các đại biểu HĐND thành phố cũng thống nhất với nội dung tờ trình của UBND TPHCM về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, thành phố cần trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đối với mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, thành phố cần đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Với tầm nhìn xa hơn, thành phố cần đạt GRDP 13.000 USD.
Mục tiêu xa hơn được đưa ra là đến năm 2045, TPHCM cần phát triển để trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Giai đoạn này, GRDP bình quân đầu người của thành phố cần đạt mốc 37.000 USD.
Chính quyền TPHCM cần thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 cần đạt từ 6% đến 6,5%. UBND TPHCM cần tạo môi trường, điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào thành phố. Công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm để chính quyền thành phố có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhân dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu HĐND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo, xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng của Thành phố đã đề ra.
Chiều 9/12, kỳ họp thứ 4, HĐND TPHCM khóa X, bước vào phiên bế mạc sau 2,5 ngày làm việc. Với tính chất là bản lề của kế hoạch phát triển thành phố giai đoạn 5 năm, kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố đã xem xét, phân tích những kết quả, bài học đạt được trong năm vừa qua cùng những định hướng cho năm mới 2022. “Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố, đất nước. Kinh tế thành phố tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động, thiệt hại kinh tế trong năm 2020 và năm 2021 trên địa bàn ước tính khoảng 273 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM, phát biểu bế mạc.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)