Qua quan sát thị trường, có một số vấn đề đặt ra để nhà đầu tư trái chủ có thể ra quyết định chính xác, bảo toàn hiệu quả sinh lợi và an toàn đồng vốn.
Rõ ràng thời gian qua với sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân, chuyên nghiệp đã tham gia mua trái phiếu riêng lẻ tỷ lệ lớn, có đâu đó một số các doanh nghiệp phát hành chưa thực sự công khai minh bạch thông tin.
Vậy thì trái chủ có nên lập tức bán lại trái phiếu, đòi lại tiền trước hạn, chịu chiết khấu cao, mất chi phí vốn, lẫn chi phí thời gian, mất cả chi phí cơ hội sinh lợi tốt trong tương lai? Câu trả lời chắc chắn là không.
Để đảm bảo an toàn và yên tâm với khoản đầu tư đương kỳ, nếu “chắc ăn”, nhà đầu tư có thể xem lại các hợp đồng mua bán trái phiếu, tìm hiểu thêm thông tin về chủ thể phát hành trái phiếu mình đang nắm. Nếu đó là các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp có tổng tài sản lớn, nợ vay thấp. doanh nghiệp đang có điều kiện hoạt động làm ăn kinh doanh tăng trưởng, doanh nghiệp vẫn luôn thực thi đúng, đủ các nghĩa vụ tài chính đã cam kết với trái chủ… thì việc nhà đầu tư quyết định góp vốn cho doanh nghiệp làm ăn, sẽ có ý nghĩa win-win.
Với những chủ thể doanh nghiệp không hề có bất kỳ thông tin nào, các dự án kinh doanh của doanh nghiệp không “động đậy”, không cập nhật đầy đủ thông tin và thực thi được các nghĩa vụ cam kết với trái chủ… thì nhà đầu tư có thể xem xét rà soát và tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng hơn, thậm chí tham cứu và đặt hàng các nhà tài chính xem xét tư vấn ở góc độ tài chính, trước khi có quyết định sáng suốt cho khoản góp vốn của mình. Và đây mới chỉ là một phía của “Đầu tư”. Ở góc độ “Mạo hiểm”, khi có thêm nhiều hàng hóa, nhiều lựa chọn, trong nền tảng hạ tầng hoàn thiện, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể đẩy mình lên mức chuyên nghiệp cao hơn.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cơ quan quản lý đang nỗ lực để có thể ban hành Nghị định 153 sửa đổi, và ra mắt thị trường giao dịch thị trường trái phiếu tập trung vào cuối năm nay. Một khi có thị trường tập trung, thanh khoản của giao dịch thứ cấp theo dự báo chung của giới chuyên môn, sẽ nhảy vọt. Đợt thanh lọc của thị trường hiện tại cũng sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư đặt niềm tin vào quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, vào triển vọng của thị trường với nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn của Việt Nam. Với thị trường vốn nói chung và kế hoạch nâng hạng lên mới nổi của Việt Nam, về phía tương lai, sau cơn bão chắc chắn là bầu trời trong xanh.
Sau vụ việc Tân Hoàng Minh, một số lỗ hổng thị trường đã bộc lộ. Tuy nhiên, tại Hội nghị Phát triển thị trường vốn ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: Thứ nhất, không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều này nghĩa là doanh nghiệp nào làm sai, vi phạm, đương nhiên phải xử phạt, còn doanh nghiệp nào làm ăn chân chính thì phải tiếp tục tạo điều kiện để phát triển;
Thứ hai, không hình sự hóa quan hệ kinh tế; Thứ ba, mục tiêu chính của chúng ta là để lành mạnh hóa thị trường và không “bóp nghẹt”…
Trong ba quan điểm trên, việc không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế đã được Chính phủ khẳng định nhiều lần. Thủ tướng Chính phủ đã đích thân khẳng định: “Những sai phạm trên thị trường chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính”. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh quan điểm này khi làm việc với các cơ quan liên Bộ và thống nhất theo chủ trương.
Việc Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức trung gian rà soát về phát hành trái phiếu riêng lẻ, có báo cáo sớm, cũng là một thông điệp đáng chú ý cho thấy việc đánh giá rủi ro toàn thị trường đã có trong kế hoạch. Bên cạnh đó là quyết định thanh tra các đơn vị kiểm toán, các công ty chứng khoán, tập trung vào đơn vị có báo cáo tài chính hay sai sót. Yếu tố khoanh vùng để xác định các sai phạm, khu trú và xử lý, làm lành mạnh hóa hệ thống trung gian và các tổ chức dịch vụ “đầu vào” của doanh nghiệp, sẽ quyết định “đầu ra” hàng hóa chất lượng khi đến tay nhà đầu tư. Đây là những giải pháp đồng bộ có ý nghĩa tích cực cả trước mắt lẫn dài hạn.
Trên thực tế, việc nhà đầu tư, thị trường đang được bảo vệ có thể thấy khá rõ. APEC Group mới đây đã thông báo hoàn tất hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trái chủ, theo quyết định chịu phạt từ cuối năm trước. Có án phạt, có tiền lệ, nhà đầu tư rõ ràng không phải lo nháo nhào về việc “mất cả chì lẫn chài” khi đầu tư trái phiếu như lo ngại thái quá đang diễn ra. Ngay cả vụ việc Tân Hoàng Minh, tuy tiền hoàn trả chưa đến được tay trái chủ, nhưng khởi đầu từ việc Bộ Công An vào cuộc và Tập đoàn này đang phải xoay xở các phương án nhằm tiến đến trả tiền cho trái chủ, cũng khẳng định khó có chuyện nhà phát hành “chạy trời khỏi nắng”. Đây thực sự là những tiền lệ xử lý vi phạm có ý nghĩa đảm bảo công minh cho mọi thành phần trên thị trường, người làm ăn chân chính sẽ có đất phát triển, nhà đầu tư chân chính được củng cố niềm tin.
Tổng Hợp