Sau khi bất ngờ sôi động trong tháng 3, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lại quay về “quỹ đạo” trầm lắng trong tháng 4.
Theo Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 21/04/2023, chưa có đợt phát hành TPDN nào được ghi nhận trong tháng 4/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng phát hành TPDN được ghi nhận trong năm 2023 đạt gần 29.000 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành công chúng với giá trị 3.500 tỷ đồng (chiếm 12% khối lượng phát hành) và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25.500 tỷ đồng (chiếm 88% khối lượng phát hành).
Đáng chú ý, mặc dù việc gọi vốn từ kênh này trầm lắng song việc mua lại TPDN vẫn đang diễn ra tích cực.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 4/2023 là gần 4.600 tỷ đồng, nâng tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 40.000 tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2022).
Chưa kể, tổng giá trị trái phiếu đến hạn còn lại trong tháng 04/2023 (tính đến ngày 21/4) là gần 6.400 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng và Bất động sản là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 2.500 tỷ đồng và hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 39% và 31% giá trị đến hạn.
Như vậy có thể thấy, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đang huy động “âm” từ nguồn vốn trái phiếu. Đồng thời, gánh nặng trái phiếu đáo hạn những tháng cuối năm vẫn đang rất lớn.
Cũng theo dữ liệu công bố từ VBMA, trong tuần công bố gần nhất (17/4 – 21/4/2023), có tới 7 doanh nghiệp công bố thông tin bất thường về trái phiếu doanh nghiệp với nội dung chủ yếu chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay cũng không nhiều.
Mới đây, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo HĐTV Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo thông qua chào bán tối đa 1.000 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm với kỳ hạn tối đa 60 tháng kể từ ngày phát hành ra công chúng trong quý II năm 2023.
Tại CTCP Vinhomes (VHM), ban lãnh đạo VHM trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch phát hành tối đa 10.000 tỷ trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng kể từ ngày phát hành với lãi suất phát hành tối đa 15%/năm, thời gian phát hành dự kiến trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành.
Trước đó, HĐQT CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) cũng đã thông qua việc triển khai chào bán ra công chúng đợt 2 với 300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch phát hành tối đa 400 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền có kỳ hạn 3 – 5 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Về văn bản chính sách mới, VBMA cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN quy định về ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh NHNN mua, bán TPDN (“Thông tư 16”). Thông tư này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 24/4/2023.
Trong đó, trong thời gian ngưng hiệu lực thi hành từ ngày 24/04/2023 đến hết ngày 31/12/2023, TCTD, chi nhánh NHNN được mua lại TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom mà TCTD đã bán và/hoặc TDPN chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN chưa niêm yết mà TCTD đã bán khi TCTD đáp ứng một số điều kiện không thay đổi so với nội dung tại Thông tư 16.
Theo VBMA, Thông tư 03 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản của thị trường TPDN (cải thiện lực cầu từ nhóm các NHTM) khi cho phép TCTD được mua lại TPDN chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên Upcom đã bán mà không bị hạn chế bởi quy định chỉ được mua lại sau 12 tháng kể từ khi bán như quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, cũng là cách để tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng.
Thực tế, quý I/2023, sức cầu của thị trường TPDN vẫn phụ thuộc vào ngân hàng, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tháo chạy. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong quý I/2023, nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99% bên mua, trong đó ngân hàng là 77%. Tuy vậy, nhìn chung sức mua thị trường èo uột, thị trường đang bị tắc ở khâu mua lại do ngân hàng không được mua TPDN chưa niêm yết sau khi bán.
Tổng Hợp
(Dân Việt)