Trái phiếu doanh nghiệp dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến dòng tiền bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu chuyện nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Trung Quốc và việc các cơ quan quản lý siết lại tiêu chuẩn các đợt phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ giảm sức nóng trong quý cuối năm.
Giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo về rủi ro của trái phiếu “3 không”: không xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh rõ ràng, khó có thể đảm bảo khả năng trả nợ gốc và lãi sau này. Đáng chú ý, báo chí nhiều lần thông tin về tình trạng một số công ty chứng khoán công khai chào bán trái phiếu riêng lẻ do một số doanh nghiệp phát hành, vi phạm quy định về chào bán trái phiếu (như tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Với những động thái mới của cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước), thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đánh giá của giới đầu tư sẽ hạ bớt sức nóng trong quý cuối năm. Đặc biệt, Thông tư 16/2021 của Ngân hàng Nhà nước được cho rằng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường này. Thực tế, nhiều năm nay, các tổ chức tín dụng luôn là nhóm mua vào trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Lâu nay, trong giới chuyên gia tài chính, có những quan điểm cho rằng, không ngoại trừ khả năng ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp như một cách “đảo nợ” cho khách hàng, vừa giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay vừa giúp sổ sách ngân hàng đẹp hơn. Nay việc mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng bị thắt chặt lại, thị trường dự báo sẽ hạ nhiệt.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Một trong những quy định đáng chú ý trong thông tư này là tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. Thông tư mới cũng quy định ba trường hợp tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp gồm: không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập 10 đoàn công tác đến 10 công ty chứng khoán lớn có hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu để kiểm tra doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định, “sắp tới sẽ tiến hành công bố ra thị trường”. Ngoài ra, ông Sơn cho biết, Bộ Tài chính cũng đang rà soát một số doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường. Đồng thời, cơ quan này tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Ông Sơn nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp không phải công ty đại chúng nhưng phát hành trái phiếu là hiện tượng rất nguy hiểm, tương tự như đưa hàng giả lên sàn.
Theo thống kê của SSI Research, trong quý III, các doanh nghiệp phát hành 188.000 tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,1% so với quý trước và giảm 17% so với cùng kỳ. Con số này đáng chú ý khi đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tín dụng ở mức thấp và đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kéo dài trong suốt quý III, việc giãn cách xã hội tiến hành ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai các kế hoạch phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 443.100 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Bất động sản là ngành đứng đầu về khối lượng trái phiếu phát hành, với 201.900 tỷ đồng (chiếm 45,5%); tiếp theo là ngân hàng với 136.400 tỷ đồng (chiếm 30,8%); năng lượng và khoáng sản 21.900 tỷ đồng (chiếm 5%)…
Trái phiếu doanh nghiệp dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến dòng tiền bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, câu chuyện nguy cơ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande tại Trung Quốc với quy mô vay nợ lên tới 200 tỷ USD đang là tiếng chuông cảnh báo về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Báo cáo của SSI Research cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác, chỉ có 36,2% trái phiếu có tài sản đảm bảo (bất động sản hoặc cổ phiếu, khoản góp vốn); 17,1% không có tài sản đảm bảo.
Trong số 17,1% trái phiếu không có tài sản đảm bảo, chiếm không nhỏ là trái phiếu của những doanh nghiệp chưa đại chúng hóa, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Vì vậy, khả năng tiếp cận thông tin tài chính từ những doanh nghiệp này bị hạn chế. Nhóm nghiên cứu đến từ FiinRatings cũng khẳng định, “các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động”.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)