Nhiều tháng qua, nhà đầu tư liên tục đổ xô tìm mua đất, khiến tình trạng “sốt đất” thường xuyên diễn ra tại một số tỉnh, thành và nguyên nhân chính dẫn đến những cơn sốt này, được nhiều chuyên gia nhận định là đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương hoặc có thông tin thực hiện đầu tư dự án của các tập đoàn bất động sản lớn, theo đó nắm bắt được tâm lý đầu tư của người dân, giới đầu cơ đã lợi dụng những yếu tố này để “thổi giá” đất, gây ra tình trạng “sốt đất ảo”.
Nhưng sau những “cơn sốt đất” đã xảy ra hiện tượng giá bất động sản tăng vượt quá giá trị thực tế, trở thành giá trị ảo dẫn đến rủi ro cho các nhà đầu tư, đồng thời gây ra những hệ lụy cho các tổ chức và các hoạt động kinh tế lớn hơn.
Phân tích ở chiều hướng “hậu sốt đất”, Giám đốc Cấp cao, Bộ phiên nghiên cứu và tư vấn – Savills Việt Nam cho biết, dù tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu lắng xuống, nhưng giá trị của bất động sản, đặc biệt là đất tại một số khu vực đã tăng và có dấu hiệu giá ảo, do đó, tình trạng này sẽ không có lợi cho tất cả các bên, nên nhà đầu tư cần có những bước đi phù hợp trong thời gian sắp tới, ít nhất là ngắn hạn.
Hiện tượng tăng giá đất, về bản chất, sẽ dẫn tới việc thị trường cần thời gian nhất định để cân bằng lại giữa cung và cầu thật, có thể xác lập một nền giá mới, làm nên dư địa phát triển cho các địa phương và tỉnh thành, tuy nhiên sẽ cần thời gian để mức giá có thể điều chỉnh lại. Việc đầu tư không hợp lý sẽ dễ dẫn đến hiện tượng vốn ứ, tiền đọng hay thanh khoản của một số khu vực không cao, sẽ dẫn đến áp lực của việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả, do đó, các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh hoạt động đầu tư trong thời gian ngắn hạn và trung hạn, ít nhất là trong năm nay.
Sau những cơn sốt đẩy giá lên, các nhà đầu tư chưa thể tham gia ngay mà còn phải chờ thị trường tự điều chỉnh xuống một ngưỡng hợp lý. Kinh tế Việt Nam có giai đoạn phát triển rất tốt, đặc biệt là về nhu cầu đầu tư và phát triển hạ tầng diễn ra mạnh mẽ trên khắp các tỉnh thành cả nước. Nhiều địa phương đã vươn lên dẫn đầu về các chỉ số năng lực cạnh tranh và liên tục cải thiện về đầu tư phát triển như Quảng Ninh, Hải Phòng, một số địa phương lân cận Hà Nội, và một số địa phương lân cận TP.HCM.
Thị trường bất động sản đã có nhịp điều chỉnh chững lại sau cơn sốt đất ồ ạt vào những tháng trước đó. Hiện tại hầu hết những điểm nóng đã lắng xuống. Cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp, các nhà đầu tư cũng đã ít di chuyển giữa các thị trường, nhất là những vùng đang có dịch. Vì thế, hoạt động giao dịch, môi giới bất động sản cũng lắng xuống trong khoảng 1 tháng nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đầu ngành đều có chung nhận định, về dài hạn BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Sau cơn sốt đất điên đảo, đây là khoảng lặng để các nhà đầu tư xem xét lại thị trường, xu hướng cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình. Giới chuyên môn cho rằng, khẩu vị của các nhà đầu tư cũng đang dần thay đổi sau cơn sốt đất. Mặc dù đất nền luôn là sản phẩm được ưa chuộng thế nhưng sau cơn sốt nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng xem xét lại các khoản mục đầu tư và ưu tiên bỏ tiền vào các BĐS vừa để sử dụng khai thác, vừa có thể gia tăng giá trị.
So với các nước khác trên thế giới thì Việt Nam làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh và hoạt động thu hút FDI sau năm 2020 đạt được những kết quả tốt. Đồng thời, Việt Nam còn sở hữu triển vọng kinh tế lạc quan khi đạt GDP tăng trưởng dương trong năm 2020 so với các nước trong khu vực.
Nhật Hạ