Quỹ đất hạn chế ở TP HCM và sự gia nhập của các dự án tích hợp chất lượng cao ở các tỉnh vệ tinh, giá bán sơ cấp trung bình của loại hình nhà liền thổ, nhà mặt phố, nhà riêng tại khu vực được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn cung nhà liền thổ (biệt thự, nhà liền kề, nhà phố thương mại) theo Savills Việt Nam có sự sụt giảm mạnh. Lượng giao dịch cũng thấp trong 6 tháng đầu năm, chỉ đạt khoảng 500 căn, giảm 50% so với cùng kỳ.
Quý II, thị trường nhà mặt phố, nhà riêng trong khu dân cư tại Hà Nội và TP HCM vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan về giá bán, tốc độ tăng giá hơn loại hình khác, theo báo cáo từ Batdongsan.com.vn. Tại TP HCM mức độ quan tâm tăng 4% với nhà riêng và 12% với nhà mặt phố, lượng tin đăng tăng 13 – 14% so với quý liền trước. Giá rao bán nhà mặt phố tại các quận trung tâm tăng 4 – 5%, cao nhất tại quận 5 là 334 triệu đồng/m2. Nhà riêng cũng tăng giá rao bán 3 – 5%, cá biệt quận 4 tăng tới 11% và đạt giá trị cao nhất, lên 198 triệu đồng/m2.
JLL cũng ghi nhận giá bán sơ cấp trung bình của nhà liền thổ TP HCM và các tỉnh lân cận trong quý II vào khoảng 65 triệu đồng/m2, tăng 16% cùng kỳ năm trước và 8% so với quý liền trước. Mức tăng này chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn ở TP Thủ Đức, Đồng Nai, Long An và những dự án nằm ở khu vực có mật độ đô thị hóa cao như ở Bình Dương. Trong đó, nhà sơ cấp tại TP HCM vào khoảng 136 triệu đồng/m2, gấp 2 – 3 lần các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Bịa – Vũng Tàu. Từ nửa cuối năm 2021 đến 2023, Savills cho rằng nguồn cung nhà ở liền thổ vẫn tập trung chủ yếu tại khu Đông của TP HCM, chiếm khoảng 32% trên tổng số nguồn cung mới. Bà Trang chia sẻ thêm các doanh nghiệp phát triển đổ dồn về khu Đông là kết quả kế thừa của sự phát triển hạ tầng trong thời gian vừa qua, cũng như mức độ đô thị hóa ở khu vực này đang phát triển rất nhanh. Nhìn vào kế hoạch phát triển hạ tầng tại TP HCM từ nay đến năm 2025, nhiều dự án hạ tầng lớn tại khu Đông cũng đang nằm trong kế hoạch. Do vậy, Savills kỳ vọng rằng việc nâng cấp, mở rộng những tuyến đường lớn này sẽ giúp thị trường bất động sản nơi đây phát triển tốt hơn trong tương lai.
Báo cáo Savills Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong 6 tháng vừa qua, tại phân khúc bất động sản nhà ở, nguồn cung bán ra thị trường hạn hẹp, giá bán tại các dự án vẫn giữ đà tăng liên tục trong 2 quý vừa qua. Cụ thể, đối với phân khúc bất động sản căn hộ, nguồn cung sơ cấp chỉ khoảng 5.800 căn, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Còn với phân khúc nhà liền thổ, biệt thự, nhà phố, nguồn cung sơ cấp trong 6 tháng cũng chỉ hơn 770 căn, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Về tỷ lệ hấp thụ, đối với căn hộ chỉ có 3.400 căn, bằng một nửa so với lượng giao dịch cùng kỳ năm trước. Còn đối với biệt thự, nhà phố, cũng chỉ có khoảng 500 căn được tiêu thụ trong 6 tháng, cũng giảm một nửa so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng, tuy nhiên nhiều chuyên gia vẫn dự báo những tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản trong nửa cuối năm 2021. Trên thực tế, bất động sản vẫn được cho là kênh trú ẩn an toàn, ít rủi ro, dù thị trường có chững lại vì dịch thì cũng khó mà xuống giá. Theo đó, nếu bất động sản nghỉ dưỡng không có nhiều cải thiện, thì nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng vào phân khúc đất nền và căn hộ. Cụ thể, ở phân khúc đất nền, DKRA Việt Nam dự báo nguồn cung mới có thể sẽ tương đương với 6 tháng đầu năm 2021, dao động khoảng 4,000 – 5,000 nền và tập trung chủ yếu ở thị trường các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sức cầu chung toàn thị trường có thể sẽ hồi phục tăng vào những tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Những dự án có pháp lý hoàn thiện, hạ tầng xây dựng đồng bộ và tiến độ rõ ràng tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng. Mặt bằng giá thứ cấp không có nhiều biến động so với quý trước, xu hướng đi ngang vẫn tiếp diễn.
Nguồn cầu về nhà ở hiện nay vẫn còn rất lớn. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp HCM. Nguyên nhân là do tốc độ tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh; tăng trưởng kinh tế gắn liền với tăng mức thu nhập làm tăng khả năng chi trả cho nhu cầu nhà ở. Bên cạnh đó, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở với yêu cầu cao hơn về chất lượng cũng sẽ tăng lên. Năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng lên 45% (hiện là 40%), tương ứng mỗi năm xây mới khoảng 70 triệu mét vuông sàn nhà ở đô thị. Tuy nhiên, số lượng này không hoàn toàn tập trung ở phân khúc cao cấp mà chiếm đa số là nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Bên cạnh đó, tâm lý của người Việt Nam vẫn mong muốn sở hữu nhà ở, đất ở. Do đó, phân phúc nhà ở vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển kể cả trong bối cảnh dịch bệnh.
Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức của việc bùng phát dịch bệnh. Bởi Covid-19 vẫn là bệnh dịch khó lường trước và có thể bùng phát bất cứ khi nào nếu không được kiểm soát tốt.
Cương Nguyễn