Giá nhà những năm gần đây tăng mạnh so với thu nhập khiến nhiều người mua nhà ngày càng thêm lo lắng. Mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, bức tranh kinh tế vĩ mô đang dần khởi sắc (GDP quý II/2020 tăng trưởng 0,24% so với cùng kỳ năm trước) nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn gặp khó trong việc đi tìm kênh đầu tư hiệu quả.
Theo ghi nhận của thị trường, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư thắng chứng khoán đã và đang tạo mạch ngầm dịch chuyển sang thị trường địa ốc, giúp thị trường này đón nhận thêm rất nhiều dòng vốn mới. Từ nhiều cột mốc lịch sử của thị trường đầu tư tài chính cho thấy, những người đã “hái” ra tiền từ chứng khoán thường hiện thực hóa các khoản lời (chốt lời) bằng việc tậu đất, mua nhà. Theo cách gọi của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thì đây chính là quy tắc bình thông nhau.
Thực tế cho thấy, quy tắc này cũng đúng với các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm… khi lượng tích lũy đã đủ lớn nhà đầu tư lại có xu hướng chuyển qua kênh đầu tư khác như mua nhà, mua đất đặc biệt là các sản phẩm nhà gắn liền với đất, các sản phẩm shophouse vừa ở, vừa khai thác kinh doanh và đầu tư.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.800 USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn – cho biết: Bất động sản tăng quá nóng, đặc biệt là giai đoạn 2016-2018 khiến giá cả giao dịch vượt quá giá trị thật của tài sản.
Với loại hình chung cư và nhà riêng, tính riêng trong năm 2019, giá bán tại TP.HCM tăng trung bình 12%, còn tại Hà Nội là khoảng 6%.
Sang tới năm 2020, mặc dù chịu tác động của Covid-19 khiến thị trường trầm lắng song giá nhà cũng không có dấu hiệu giảm mà còn tiếp tục tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, một nguyên nhân nữa khiến giá bất động sản khó giảm là do chi phí triển khai dự án ngày càng tăng cao và doanh nghiệp hiện nay vì yếu tố chi phí, thủ tục và lợi nhuận mà chỉ chú trọng phát triển nhà cao cấp, bỏ qua thị trường nhà bình dân. Để giá nhà có thể hợp lý hơn chuyên gia cho rằng cần có sự cải cách trong cơ chế phê duyệt dự án cũng như mở ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà giá rẻ.
Trong văn bản mới gửi các cơ quan có thẩm quyền, lãnh đạo HoREA cho rằng việc tăng bảng giá đất sẽ kéo giá nhà ở tăng theo. Do đó, nếu bãi bỏ bảng giá đất, có thể kéo giá nhà ở giảm xuống.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói rõ: “Khung giá đất”, “bảng giá đất” tác động đến giá cả thị trường bất động sản, vì việc “bảng giá đất” tăng, sẽ kéo giá nhà ở sẽ tăng theo.
“Giá cả được hình thành theo quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung – cầu và phụ thuộc vào tâm thế thị trường (kể cả tâm lý đám đông, bầy đàn), tâm thế của các chủ thể giao dịch tại thời điểm giao dịch. Do vậy, giá cả thị trường luôn là một biến số” – ông Châu thông tin.
Cũng theo vị này, giá thành nhà ở bao gồm nhiều yếu tố, trong đó, có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước. Tiền sử dụng đất thường chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ dự án nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành dự án nhà phố; trên dưới 50% giá thành dự án biệt thự và là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường.
Do vậy, mức giá của “khung giá đất”, “bảng giá đất” tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
“Hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1-2 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội” – ông Châu cho biết thêm.
Lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, hạn chế đầu tiên là mất cân đối trong quan hệ cung cầu. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp đang dư thừa trong khi nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp lại thiếu.
Hạn chế là công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các đô thị lớn còn gặp khó khăn, bất cập, đặc biệt là vướng mắc về qui hoạch liên quan đến chỉ tiêu dân số và chiều cao công trình tại khu vực nội đô.
Tình hình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án BĐS chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS vẫn chưa được tổng hợp, báo cáo đầy đủ và liên tục, gây khó khăn cho công tác quản lí nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân khi tham gia thị trường.
Còn một số điểm mâu thuẫn, chưa phù hợp trong hệ thống pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở trong việc thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thông qua đấu giá, đấu thầu đối với các dự án phát triển nhà ở,…
Từ những hạn chế trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS.
Nhật Hạ
( Tổng Hợp)
Theo Phụ Nữ Mới