Về lý thuyết, hạ lãi suất sẽ khiến giá trị đồng Việt Nam giảm, nhưng do USD cũng giảm nên việc này không đáng lo ngại. Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ không có biến động lớn về tỷ giá…
Bên cạnh đó, hạ lãi suất có tác động tích cực, giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh có triển vọng phục hồi. Người dân bắt đầu lấy lại niềm tin rằng, triển vọng của thị trường sẽ tốt hơn, đặc biệt là thị trường chứng khoán cũng như khu vực trái phiếu doanh nghiệp.
Những diễn biến trên thị trường cho thấy, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu phát hành trái phiếu. Cụ thể, hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành thành công vừa qua phần lớn không phải là do doanh nghiệp lớn, mà là doanh nghiệp quy mô trung bình phát hành. Thời gian tới, một số doanh nghiệp lớn như Vingroup dự kiến sẽ phát hành trái phiếu, không chỉ phát hành riêng lẻ mà phát hành trên cả thị trường đại chúng, dưới sự dưới sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Những động thái này cho thấy dấu hiệu ấm trở lại trên thị trường vốn và các đợt giảm lãi suất, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước đã tạo ra một xu hướng tích cực cho thị trường vốn nói chung.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc ổn định tỷ giá hối đoái trong trung hạn không chỉ đơn thuần là tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, mà là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Đồng thời với đó là môi trường kinh doanh dài hạn, ổn định để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nói cách khác, vấn đề đặt ra không chỉ đơn thuần là tác động của bên ngoài như thế nào, mà là thực lực kinh tế, sức cạnh tranh thực sự của Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề của chính sách tiền tệ, mà là của cấu trúc nền kinh tế.
Sau đợt điều chỉnh lãi suất gần đây nhất của Fed, chỉ số USD (Dollar Index) gần như không đổi, vẫn là 103,8 và giữ ở mức này tương đối lâu. Các chuyên gia tài chính quốc tế đều dự báo rằng, chỉ số USD sẽ tiếp tục giảm, kể cả khi Mỹ có tăng lãi suất trong thời gian tới, bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến xu thế đa cực xuất hiện. Khi xu thế lớn xuất hiện, bao giờ cũng thể hiện đầu tiên ở vấn đề đa tiền tệ trong thanh toán quốc tế.
Ví dụ, trước đây, xu thế độc tôn là USD đóng vai trò đồng tiền thanh toán quốc tế và khi đa cực nghĩa là sẽ có nhiều đồng tiền khác có vai trò đó (mặc dù USD chiếm đến 50 – 60%). Điều đó cho thấy, xu thế USD ngày càng yếu đi trong so sánh với các đồng tiền khác, dù Fed có tăng lãi suất hay không.
Xu thế này có thể tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước đây, chúng ta luôn lo ngại lạm phát quốc tế và phần nào đó là thanh khoản trong nước có thể tác động đến tỷ giá hối đoái, nói cách khác là đồng Việt Nam mất giá. Nhưng hiện nay, lo ngại đó đã giảm bớt, kể cả trong ngắn hạn cũng như trong trung hạn. Chính vì vậy, không nhất thiết phải neo lãi suất của Việt Nam ở mức cao, bởi quan ngại hạ lãi suất có thể làm đồng Việt Nam mất giá hơn.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)