Sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ được nhận định đã, đang và sẽ có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung, sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp nói riêng.
Khuôn khổ pháp lý, quy định về luật và hệ thống văn bản dưới luật của Việt Nam cho việc phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là định hình thị trường mua bán nợ thông qua chứng khoán hóa khoản nợ, bởi định giá khoản nợ hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn. Định giá khoản nợ là yếu tố quan trọng gần như bậc nhất để hình thành giá trị khoản nợ và từ giá trị khoản nợ mới có thể chứng khoán hóa khoản nợ, rồi tiến tới giao dịch trên thị trường mua bán nợ xấu.
Nghị định 53/2013/NĐ-CP giao cho VAMC hoặc các tổ chức tín dụng hoặc các công ty thẩm định giá được tự định giá, tuy nhiên, các công ty thẩm định giá đang rất lúng túng trong việc định giá khoản nợ xấu. Định giá tài sản đã có quy trình hướng dẫn cụ thể, nhưng định giá các khoản nợ phạm vi rộng hơn, phức tạp hơn và độ rủi ro cao hơn.
Nếu để VAMC định giá trong bối cảnh đã phân tích, hiểu rõ sự minh bạch, xu hướng thị trường, tính pháp lý của tài sản bảo đảm hay khoản nợ…, thì những định giá này không thể “chốt cứng” giá, mà phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Được biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phải có văn bản trình Chính phủ về việc quy định rõ vấn đề này làm cơ sở cho VAMC, tổ chức tín dụng, các tổ chức thẩm định giá có căn cứ để định giá nợ xấu.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, thậm chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và VAMC đều thừa nhận, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn sơ khai.
“Phải bước đi để lối thành đường trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nói.
Chia sẻ câu chuyện của Hàn Quốc, ông Choe Sun Joon, Trưởng nhóm Ban Kinh doanh quốc tế, Tổng công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc cho hay, bối cảnh triển khai chứng khoán hoá khoản nợ xấu được xuất phát trên nhu cầu xử lý nợ xấu khi hậu khủng hoảng ngoại hối năm 1997 đã dẫn đến khối lượng nợ xấu tăng mạnh.
“Yêu cầu đặt ra phải có một công cụ kỹ thuật tài chính mới để nhanh chóng xử lý khối lượng nợ xấu này. Bên cạnh đó là nhu cầu tài trợ vốn của các doanh nghiệp do lực cầu trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay trên thị trường giảm, bởi khủng hoảng làm mất khả năng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp cần thêm các kênh tài trợ vốn mới”, ông Choe Sun Joon nói.
Đại diện VAMC, ông Đỗ Giang Nam, Phó tổng giám đốc cho biết, vài năm trở lại đây, thị trường xử lý nợ xấu có sự phát triển, đặc biệt là việc cho phép bán nợ xấu tới các tổ chức, cá nhân. Theo đó, tỷ trọng từ biện pháp thu hồi nợ xấu này gia tăng, nhưng vẫn còn khiêm tốn trong tổng nợ xấu đã được xử lý, một trong những lý do là vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý. Ví dụ, nếu nút thắt bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư được tháo gỡ sẽ có sự tăng trưởng xử lý nợ xấu đáng kể.
Nhìn trong tổng thể, ông Nam chia sẻ, để phát triển thị trường mua bán nợ xấu hoàn chỉnh và thu hút người mua cần hội tụ 3 điều kiện. Thứ nhất, có cơ chế thu hút rộng rãi các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ ngoài VAMC, DATC, tổ chức tín dụng, còn có các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức định giá, xếp hạng tín nhiệm, môi giới… Thứ hai, xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ nhằm kết nối giữa người mua và người bán, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, minh bạch. Thứ ba, có tổ chức dẫn dắt thị trường có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, có khả năng kết nối các thành phần tham gia.
Cải cách khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam có thể đạt hiệu quả cao nhất khi tất cả các vấn đề pháp lý và cấu trúc có liên quan được xem xét một cách toàn diện. Bên cạnh đó, quá trình cải cách cần đảm bảo đầu vào về chính sách và kỹ thuật được tiếp nhận và cần tính đến tác động nhất quán với khung khổ pháp lý chung.
Lưu ý, chúng ta không chỉ xem xét nội dung của luật, mà cần đến cả thiết kế của khung pháp lý nhằm đảm bảo sẽ không gặp phải vấn đề liên quan đến sự phân mảnh trong các quy định, tức các quy định pháp lý cần có tính nhất quán cao. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khả thi để thực hiện quá trình cải cách.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư, Doanh Nghiệp Niêm Yết)