Theo phân tích của các chuyên gia, đây là thời điểm “đáy” của thị trường được xác lập, cũng là lúc tốt nhất để mua vào.
Dù thanh khoản vẫn còn thấp, song áp lực bán tháo cũng không còn, thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn giằng co khi bên mua đa số vẫn muốn “chờ thêm chút nữa” để giá giảm sâu hơn, còn bên bán không muốn bán giá thấp. Theo phân tích của các chuyên gia, đây là thời điểm “đáy” của thị trường được xác lập, cũng là lúc tốt nhất để mua vào.
Ông Trần Văn Vững, một môi giới chuyên về mảng thị trường nhà phố tại TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, hoạt động mua bán trên thị trường nhà phố bắt đầu có sự chuyển biến, các căn rao bán từ trước nhưng không bán được thì nay nhúc nhắc được giao dịch.
“Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định, thị trường nhà đất tại TP.HCM, đặc biệt với phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thật, khó có thể giảm giá thêm”, ông Vững nói.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia tài chính – bất động sản cho hay, một trong những yếu tố để nhận diện đâu là “đáy” của thị trường là nhìn vào động thái của các đầu tư chuyên nghiệp. Đây là nhóm đối tượng thạo tin, có kiến thức, kinh nghiệm và đôi khi có cả “trực giác” nhạy bén, chỉ khi nhận thấy thị trường xuất hiện cơ hội thì lúc đó mới mạnh tay “xuống tiền”.
“Thời gian qua, tôi có tham gia hỗ trợ nhà đầu tư trong một số thương vụ M&A dự án bất động sản và nhận thấy rằng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, nhiều người đã phải bán tài sản để cơ cấu lại dòng tiền, đây cũng là cơ hội để các nhà đầu tư khác gom mua được nhiều tài sản giá rẻ”, ông Chánh chia sẻ và cho biết, trong hầu hết các thương vụ mua lại tài sản có giá trị lớn thời gian qua, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đều có bóng dáng của dòng vốn ngoại.
Không chỉ doanh nghiệp hay nhà đầu tư tổ chức lớn, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng bắt đầu có động thái “gom hàng” trở lại. Trong cuộc trò chuyện mới đây, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán được một nhóm nhà đầu tư “máu mặt” tiết lộ rằng, khi thị trường “lộ đáy” cũng là lúc xuất hiện nhiều cơ hội nhất, nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt, lợi thế sẽ thuộc về những người có sẵn nguồn tài chính hoặc có khả năng xoay xở dòng tiền.
Ở góc độ khác, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, thị trường ở thời điểm xác định đáy là thị trường của bên mua, do đó khi tìm được bất động sản ưng ý thì người mua nên xuống tiền ngay.
“Hiện có khoảng 20-30% nhà đầu tư có sẵn tiền mặt đang tìm mua những bất động sản yêu thích, pháp lý đầy đủ và giá đã giảm như kỳ vọng, điều khó có thể tìm được trong giai đoạn trước dịch. Những người này ‘máu đầu tư’ đã thấm trong người, chỉ đợi có sản phẩm đúng nhu cầu là lập tức mua vào”, ông Quang cho hay.
Theo các chuyên gia, hiện có thể không phải thời điểm tốt để bán, nhưng là thời điểm tốt để mua. Do đó, người có sẵn nguồn tài chính lúc này có thể cân nhắc đầu tư vào các sản phục vụ nhu cầu thực như nhà phố, căn hộ ở khu vực trung tâm, hoặc các bất động sản đang bị “ngộp”, phải bán tháo ở các phân khúc này, bởi khi thị trường hồi phục, đây là những sản phẩm có khả năng tăng giá cũng như thanh khoản tốt nhất, còn nếu tiếp tục chờ đợi đến khi mọi thứ rõ ràng, cơ hội sẽ không còn nhiều.
Cũng theo nhóm nhà đầu tư này, cơ hội trên thị trường địa ốc giai đoạn hiện tại không đồng nhất, mà có sự phân hóa rõ nét. Sản phẩm được chọn phải đáp ứng được các yêu cầu như có pháp lý rõ ràng, được phát triển chủ đầu tư uy tín, có khả năng khai thác kinh doanh ngay…
Theo giới phân tích, vẫn còn quá sớm để kết luận thị trường bất động sản không còn đối mặt với nhiều thách thức, song có thể khẳng định rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi và thị trường đang đứng trước cơ hội mới. Những nhận định này được đưa ra dựa trên các yếu tố vĩ mô thuận lợi cũng như các quyết sách hỗ trợ thị trường địa ốc đã và sắp ban hành.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản khu công nghiệp, Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Vietnam (MASVN) nhận định rằng, trong bối cảnh lạm phát thế giới có xu hướng giảm rõ ràng, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 vào trung tuần tháng 5/2023, Việt Nam có nhiều dư địa hơn cho việc quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô, qua đó khuyến khích dòng vốn FDI tăng mạnh hơn trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu hoàn thành 1.600 km đường cao tốc trên khắp cả nước. Đây là các yếu tố quan trọng hỗ trợ phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp nói riêng, thị trường bất động sản nói chung và rộng hơn là toàn bộ nền kinh tế.
Tổng Hợp
(ĐTCK)