Khi kinh tế phục hồi, các hoạt động trở lại bình thường thì dòng tiền lại quay về sản xuất. Do đó, thanh khoản trên thị trường sẽ giảm về mức độ nhất định khi một bộ phận nhà đầu tư rút khỏi cuộc chơi.
Chứng kiến những cơn lao dốc gần đây, một số nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán đang tái hiện lại giai đoạn 2008, 2018. Tuy nhiên, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, nhận định năm 2018 khá giống với giai đoạn hiện nay còn năm 2008 thì không. Vì thị trường chứng khoán năm 2008 bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ.
“Năm nay và năm 2018 có nhiều điểm tương đồng như kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, Fed tăng lãi suất đồng thời thắt chặt các chính sách tiền tệ, thu hẹp bảng cân đối kế toán”, ông nói.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong 2 giai đoạn này khá giống nhau, mặc dù năm nay có độ trễ hơn về mặt thời gian. Tháng 3/2018, thị trường đã có tín hiệu giảm còn năm nay thì bắt đầu từ tháng 4. Năm 2018, chỉ số VN-Index thời điểm đó sụt giảm từ 1.200 điểm về 900 điểm, còn hiện tại là giảm từ 1.553 điểm về 1.230 – 1.250 điểm.
Còn điểm khác biệt của 2 giai đoạn này là liên quan đến yếu tố dòng tiền khi quy mô thị trường, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư lớn hơn nhiều năm 2018 nên sự biến động sẽ mạnh hơn. Xét về mặt tích cực, sự hồi phục nền kinh tế sau Covid-19 là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường về mặt dài hạn, dù ngắn hạn dòng tiền có thể bị rút ra.
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam – có quan điểm tương tự. Theo ông, chứng khoán giảm do nhiều yếu tố, trong đó có việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Một điểm khác nữa là trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau dịch Covid-19 nên các chính sách không thể quá mạnh tay như trước. Không những thế, quá trình tăng lãi suất năm nay chỉ diễn ra ở một số quốc gia, không có nhiều đồng thuận như giai đoạn 2018, điển hình là Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích thích kinh tế.
Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Ngọc cho rằng, với nền định giá đủ hấp dẫn, các dòng tiền bền vững trên thị trường sẽ tạo ra mức thanh khoản bình quân 10.000 – 15.000 tỷ đồng trong năm nay. Khi đó, thị trường sẽ ổn định trở lại và có những diễn biến giao dịch tích cực.
Ngoài ra, những dòng tiền “nóng” đầu tư vào thị trường trong giai đoạn dịch Covid-19 sẽ được rút ra. Vì khi dịch Covid-19 xuất hiện, các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ khiến lượng lớn nhà đầu tư đổ tiền nhàn rỗi vào chứng khoán. Khi kinh tế phục hồi, các hoạt động trở lại bình thường thì dòng tiền lại quay về sản xuất. Do đó, thanh khoản trên thị trường sẽ giảm về mức độ nhất định khi một bộ phận nhà đầu tư rút khỏi cuộc chơi.
“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn luôn phát triển dựa trên các dòng tiền bền vững khi có thêm nhiều quỹ đầu tư, người chơi mới gia nhập thị trường”, ông nhấn mạnh.
Thời điểm này với họ là cơ hội khi có thể mua vào nhiều cổ phiếu tốt với nền giá hấp dẫn để đầu tư trung, dài hạn. Trong quá trình thị trường tạo đáy, họ có thể nghiên cứu những doanh nghiệp tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao để mua được cổ phiếu giá rẻ.
Các nhà đầu tư này nên kiên nhẫn hơn để chờ đợi thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, điều này phải phụ thuộc vào danh mục đầu tư của mỗi người khi lượng cổ phiếu đang nắm giữ là tốt hay không tốt. Nếu họ đang nắm giữ những cổ phiếu không tốt, không có triển vọng tăng giá trở lại thì nên cơ cấu danh mục để chuyển sang những cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận cao, có kỳ vọng thị trường hồi phục thì cổ phiếu hồi phục.
Tổng Hợp