Một cuộc khảo sát trực tiếp với hơn 300 khán giả tại hội trường Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính 2023 và hơn 5.000 độc giả tham gia bình chọn online do Báo Đầu tư tổ chức vào đầu tuần qua cho thấy, có khoảng 27% người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc chọn kênh đầu tư bất động sản để đầu tư từ nay tới cuối năm 2023.
Ông Phạm Thanh Sơn, chủ một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Đông, Hà Nội – cũng là một nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm gần 15 năm, chia sẻ với người viết bên lề diễn đàn rằng, con số trên phản ánh một thực tế là hiện tại, bất động sản chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn nhất (đứng sau kênh gửi tiết kiệm ngân hàng và chứng khoán với số người lựa chọn lần lượt là 50% và 30%), nhưng chỉ cần thêm một vài yếu tố hỗ trợ là có thể “bật lên”, đó là sự thẩm thấu của chính sách lãi suất, dòng tiền đầu tư công gia tăng và đặc biệt là thông điệp sau cuộc họp hồi đầu tháng 8/2023 về giải pháp tiếp theo hỗ trợ thị trường bất động sản của Chính phủ.
Thực tế, trước đó, nhiều room chứng khoán chia sẻ thông tin đồn đoán có khoảng 153.000 tỷ đồng tiền gửi được rút khỏi ngân hàng chỉ trong 3 tuần đầu tiên của tháng 7/2023 và điểm đến của dòng tiền cũng chưa được xác định, nhưng khi nhìn lượng thanh khoản trên thị trường chứng khoán gia tăng nhanh những ngày gần đây cùng thông tin nhiều dự án mở bán trở lại… khiến nhiều người mường tượng về “dòng tiền thông minh” bắt đầu tìm tới các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm khá mạnh và các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản.
Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản trong nửa cuối năm 2023 do PropertyGuru Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, có 61% người tham gia khảo sát có dự định mua bất động sản trong một năm tới. Trong đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư và đất nền là loại hình được người mua tiềm năng hướng đến nhiều nhất (tỷ lệ 40%), sau đó đến chung cư (tỷ lệ 28%) và nhà riêng (tỷ lệ 21%).
Còn dữ liệu từ cuộc khảo sát của một sàn giao dịch bất động sản là hội viên của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tại Quảng Ninh đối với nhóm khách hàng thân thiết cho thấy, với các khoản tiết kiệm kỳ hạn 6-12 tháng dự kiến sẽ đáo hạn trong quý III và IV/2023, nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, họ sẽ mang khoản tiền đáo hạn đầu tư vào các kênh có lợi nhuận cao hơn kênh gửi tiền truyền thống, trong đó ưu tiên là bất động sản.
Chia sẻ tại Diễn đàn Cố vấn tài chính cấp cao 2023, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, từ nay tới cuối năm 2023, nhu cầu yếu tiếp tục là yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang dần cải thiện sau quyết tâm gỡ vướng cho thị trường, dự án của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và đây là một tín hiệu rất tích cực.
Ở góc nhìn khác, đại diện Công ty Chứng khoán Vietcap nhìn nhận, doanh số bán hàng sẽ phục hồi dần từ quý cuối năm 2023 nhờ niềm tin của người mua nhà và các hoạt động môi giới cải thiện, từ đó thúc đẩy doanh số của các căn hộ chưa mở bán tại các dự án đã triển khai. Dẫu vậy, trong ngắn hạn, cụ thể là từ nay tới cuối năm, việc mở bán dự án mới sẽ chưa diễn ra ồ ạt do độ trễ chính sách (liên quan tới việc xác định giá đất, điều chỉnh quy hoạch tổng thể…) và công tác chuẩn bị mở bán cần nhiều thời gian hơn.
Thực tế, kể từ tháng 11/2022, nhiều quyết sách đã được ban hành để hướng dẫn giải quyết các trở ngại pháp lý dự án, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết vướng mắc cốt lõi của thị trường bất động sản là cách xác định giá đất, nhất là tại các dự án quy mô lớn.
Do đó, trong dài hạn, các động lực tăng trưởng chính cho ngành bất động sản nhà ở tại Việt Nam tiếp tục vững chắc, bao gồm triển vọng cơ sở hạ tầng cải thiện, quy mô hộ gia đình trung bình giảm và tỷ lệ thâm nhập của thị trường cho vay mua nhà thế chấp gia tăng. Các chủ đầu tư có năng lực tài chính với thương hiệu mạnh và sản phẩm tập trung phục vụ nhu cầu thực sẽ có vị thế tốt để vượt qua thách thức hiện tại.
Tổng Hợp
(ĐTCK)