Thị trường bất động sản tìm điểm tựa cuối năm khi giai đoạn khó khăn nhất đã qua.
Thống kê của nhiều công ty chứng khoán cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoảng 1/3 trong tổng số 50 cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HOSE có khối lượng giao dịch trung bình hơn 50.000 đơn vị mỗi phiên là cổ phiếu bất động sản, nếu tính thêm cả cổ phiếu xây dựng thì con số này tăng lên gần một nửa.
Trong đó, các mã tăng từ 50% trở lên có thể kể đến là DXG (+69%), TCH (+66%), NVL (+65%), BCG (+63%), NBB (+61%), ITC (+58%), LGL (+57%), DXS (+50%)…, thậm chí nhiều mã có mức tăng từ gần 100% trở lên như PDR (+95%), CIG (+96%), NHA (+97%), SGR (+99%), TDH (+102%), VPH (+139%), QCG (+165%)…
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản – xây dựng phần nào phản ánh được sự chuyển biến của thị trường địa ốc thời điểm hiện tại sau thời gian dài trầm lắng. Sự tăng trưởng trở lại của các “cổ đất” nhen nhóm từ tháng 4/2023, thời điểm mặt bằng lãi suất bắt đầu giảm và nhiều chính sách hỗ trợ thị trường được ban hành.
Nhìn lại 1 năm trước đó, cuộc khủng hoảng trái phiếu tại một số nhà phát triển bất động sản lớn vào tháng 4/2022 đã tạo hiệu ứng “domino” và lan rộng ra toàn thị trường. Niềm tin suy giảm kéo theo dự án mất thanh khoản, dòng tiền khó khăn… khiến nhiều doanh nghiệp chịu sức ép đáo nợ trái phiếu trước hạn rất lớn. Trong khi đó, tiến trình gỡ vướng pháp lý dự án diễn chậm chạp như càng đẩy doanh nghiệp lún sâu hơn vào khó khăn.
Tại báo cáo cập nhật ngành bất động sản công bố gần đây, SSI Research cho biết, cả sức cầu và lượng giao dịch những tháng đầu năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường cũng có dấu hiệu “tạo đáy” và bắt đầu có sự chuyển biến khi mặt bằng lãi suất giảm sớm hơn dự kiến.
Lãi suất cho vay mua nhà trong tháng 8/2023 tại nhiều ngân hàng đã giảm về quanh mức 10%/năm như, cá biệt một số ngân hàng đưa mức lãi suất này về 8-9%/năm như Woori Bank (7,8%/năm), Shinhan Bank (7,99%/năm), TPBank (8%/năm), HDBank (8,2%/năm), VIB (8,5%/năm), Eximbank (8,5%/năm)… Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ được dự báo sẽ còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2024 khi Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Ghi nhận của Onehousing cho thấy, trong vài tháng trở lại đây, thị trường có sự phản ứng khá tích cực với những chính sách bán hàng mới của chủ đầu tư. Đơn cử, trong quý II/2023, có khoảng 30% dự án tăng chính sách bán hàng với tổng giá trị quà tặng tương đương 7,7% giá bán, giúp lượng tiêu thụ của các dự án này tăng 67% theo quý. Hiện tại, dù số liệu quý III/2023 chưa được công bố, nhưng đối chiếu với dữ liệu tìm kiếm mua nhà gia tăng trong tháng 7/2023 ở mức 5-6% theo tháng có thể thấy sức cầu thị trường đang tăng trở lại và người mua nhà kỳ vọng nhiều vào các chính sách giảm giá, tăng chiết khấu của các chủ đầu tư cũng như sự đột phá của chính sách tín dụng trong thời gian tới.
Từ đầu tháng 8/2023, tổng hợp từ các chương trình ưu đãi “tháng Ngâu” cho thấy, nhiều dự án mở bán mới đang được chiết khấu cao khoảng 20% so với giai đoạn trước. Ngoài chiết khấu sâu về giá, các chương trình chia nhỏ thanh toán tới vài năm cũng tạo động lực cho người mua nhà.
Tổng Hợp
(ĐTCK)