Thị trường đất nền đã chứng kiến sự hạ nhiệt rõ nét tại nhiều địa phương, đồng nghĩa, những cơn sốt ảo cũng vắng bóng.
Nhu cầu tìm mua đất nền sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây cũng là lúc thị trường xuất hiện tình trạng bỏ cọc sau đấu giá đất xuất hiện tại một số địa phương.
Theo đánh giá của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA), hiện nay, tuy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, chậm lại, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn “neo giữ mức giá cao” do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, cũng do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (thường chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn đến một thời điểm không chịu đựng nổi, nhiều nhà đầu tư có thể đành phải “xả hàng”, thậm chí chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ” để bảo tồn phần vốn còn lại.
Theo thống kê của DKRA, mức độ thanh khoản thị trường đất nền dự án tại TP HCM và vùng phụ cận trong quý III ở mức khá thấp, lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm gần 78% so với quý trước (mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm).
Thị trường chỉ ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 nền, giảm 65% so với quý II. Mặt bằng giá thứ cấp ghi nhận tăng phổ biến khoảng 2-4% so với đầu quý trước.
Tại Đà Nẵng và vùng phụ cận, phân khúc đất nền có khoảng 13 dự án được mở bán trong quý, cung cấp ra thị trường 998 nền, giảm 17,2% so với quý trước.
Tỷ lệ tiêu thụ đất nền trên nguồn cung mới ở mức trung bình 59%, tương đương 586 nền. Đây là mức tiêu thụ cao nhất kể từ thời điểm đầu năm. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với giai đoạn mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp khá trầm lắng, mặt bằng giá bán ghi nhận giảm đáng kể so với quý trước với mức giảm trung bình 3-5%.
Còn tại khu vực Trung du miền núi phía Bắc, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hàng chào bán chủ yếu là hàng tồn của các dự án đã mở bán từ trước, chiếm hơn 85% tổng cung. Giá bán dao động trong khoảng 30-40 triệu đồng/m2.
Mức độ quan tâm và thanh khoản bất động sản ghi nhận sụt giảm mạnh trong nhiều tháng nay và chưa có dấu hiệu phục hồi. Cũng trong giai đoạn này, nhiều địa phương đồng loạt ban hành các giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Đơn cử, UBND TP Hà Nội mới đây đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Tại Lào Cai, theo UBND tỉnh, thời gian gần đây, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh như khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông,… có dấu hiệu xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi, bán lại bất động sản. Những hoạt động này đã gây sốt ảo, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Do đó, lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng. Bên cạnh đó, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng,…
UBND tỉnh Quảng Ngãi cách đây ít ngày đã có có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh, bổ sung Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có chấp thuận chủ trương đầu tư để xử lý theo hướng đối với các dự án không triển khai, để đất hoang hóa hoặc triển khai chậm thì tổng hợp, báo cáo kiến nghị thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền trên địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật theo thẩm quyền,…
UBND tỉnh Bình Định vừa qua cũng giao các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ, kịp thời, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường mua bán, chuyển nhượng đất đai không để xảy ra tình trạng sốt giá và “bong bóng” trên địa bàn
UBND các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh không xử lý hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp (không cùng thửa đất ở) sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.
Thị trường bất động sản trầm lắng, hiện tượng sốt đất gần như không còn xuất hiện khiến nhiều người đầu tư theo kiểu lướt sóng không thể cầm cự.
Tổng Hợp