Thị trường địa ốc TP.HCM nói riêng, và thị trường Việt Nam đang mất cân bằng về cơ cấu sản phẩm, có hiện tượng dư thừa nguồn cung căn hộ hạng A, trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở giá rẻ.
Số liệu mới nhất của DKRA cho thấy, trong tháng 8/2020, thị trường địa ốc TP.HCM ghi nhận 5 dự án mới được mở bán, cung cấp ra thị trường 2.088 căn hộ, giảm 33% so với tháng 7/2020 (3.109 căn hộ).
Theo DKRA, căn hộ hạng A đang dẫn đầu nguồn cung mới tại thị trường địa ốc TP.HCM, chiếm tỷ trọng gần 98% (khoảng 2.038 căn hộ).
Trong khi đó, nguồn cung của căn hộ hạng B chỉ 50 căn, chiếm 2% trong tổng số nguồn cung mới. Đối với căn hộ hạng sang, và hạng C không ghi nhận nguồn cung mới trong tháng.
Theo DKRA, căn hộ hạng A đang dẫn đầu nguồn cung mới tại thị trường địa ốc TP.HCM, chiếm tỷ trọng gần 98%. Ảnh minh họa
Trước đó, vào tháng 7/2020, 2.436 căn hộ hạng A được đưa ra thị trường, chiếm 78% tổng lượng cung mới trong tháng. Nguồn cung căn hộ hạng B và hạng C lần lượt là 630 căn hộ (chiếm 20%) và 43 căn hộ (chiếm 2%).
Dù có giá không hề rẻ, trên 40 triệu đồng/m2, song nguồn cung căn hộ hạng A lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng cung mới của thị trường địa ốc TP.HCM. Điều này cho thấy, các “ông lớn” trong ngành BĐS vẫn có tâm lý ưu ái đối với căn hộ hạng A, thay vì các sản phẩm khác.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp BĐS ưa chuộng phân khúc căn hộ hạng A hơn cả là do tỷ lệ lợi nhuận phân khúc này cao hơn nhiều so với căn hộ hạng B và hạng C.
“Trong khi thủ tục xin phê duyệt của cả 3 phân khúc đều khó khăn như nhau, song lợi nhuận của căn hộ hạng A cao hơn 3 – 5 lần. Vì vậy, doanh nghiệp thích đầu tư vào phân khúc này là điều dễ hiểu”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Võ Hồng Thắng, trưởng bộ phận R&B của DKRA cho rằng, trong vài tháng gần đây, tại TP.HCM chỉ có 1 vài dự án chung cư cao cấp hoàn thiện và cung ứng ra thị trường. Vì lý do đó, nên căn hộ hạng A chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại.
Đồng thời, do thiếu nguồn cung, nên giá bán căn hộ tại TP.HCM đã tăng cao và làm đẩy phân khúc từ hạng B lên hạng A.
“Theo định nghĩa từ thị trường, các căn hộ giá trên 40 triệu đồng/m2 được gọi là hạng A, căn hộ giá 25 – 30 triệu đồng/m2 được gọi là hạng B; dưới 20 triệu đồng là hạng C. Tuy nhiên, do giá sơ cấp tăng nhanh trong vài năm qua, nên giá trị căn hộ hạng B đã tăng vượt lên ngưỡng 40 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ hạng A”, ông Thắng giải thích rõ hơn.
Giới chuyên gia BĐS nhận định, thị trường đang có hiện tượng dư thừa nguồn cung căn hộ hạng A, trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Ảnh minh họa: Quân Đỗ
Ông Võ Hồng Thắng cho rằng, các căn hộ hạng A vẫn đang là sản phẩm “hot” trên thị trường. Điều này được chứng minh bởi tỷ lệ tiêu thụ các sản phẩm căn hộ hạng A luôn ở mức trên 70%.
“Ví dụ trong tháng 7 và tháng 8, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ hạng A đạt tới 70%. Điều này cho thấy, nhu cầu mua và đầu tư căn hộ hạng A vẫn còn lớn, nên chuyện dư thừa sản phẩm có thể sẽ không diễn ra”, ông Thắng khẳng định.
Ở chiều ngược lại, căn hộ hạng C tăng vượt ngưỡng 20 triệu đồng/m2 và trở thành căn hộ hạng B. Điều này khiến cho thị trường mất đi phân khúc này.
Trước đó, trong một số hội nghị về BĐS, giới chuyên gia cũng chung nhận định thị trường địa ốc TP.HCM nói riêng, và thị trường Việt Nam đang mất cân bằng về cơ cấu sản phẩm, có hiện tượng dư thừa nguồn cung căn hộ hạng A, trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Việt Vũ