Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán nhận định, lãi suất cho vay đang hạ khá chậm, nhưng sẽ giảm nhanh hơn trong thời gian tới, vì tín dụng tăng chậm, thừa nguồn thì cung – cầu sẽ tự điều chỉnh.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 9/5/2023, tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt trên 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,69% so với cuối năm 2022 và tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2022.
Diễn biến trên thị trường 1 trong tháng 4 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm với mức giảm từ 0,2 – 0,5%/năm tại hầu hết kỳ hạn. Cụ thể, sau quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm vào cuối tháng 3 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng tới dưới 6 tháng khoảng 0,5%/năm và giảm thêm khoảng 0,2 – 0,5%/năm với kỳ hạn từ 6 – 12 tháng. Mặt bằng lãi suất huy động niêm yết của các ngân hàng thương mại cổ phần nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao hơn so với ngân hàng thương mại nhà nước từ 0,4-1,5%/năm tùy từng kỳ hạn.
Trong tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động dự kiến có thể giảm thêm khoảng 0,2 – 0,5%/năm bởi các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm nhìn chung chiếm ưu thế.
Một lãnh đạo cao cấp của BIDV nhận định, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục kiên định với xu hướng nới lỏng và mục tiêu nhất quán là hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá đã hạ nhiệt rõ nét. Bên cạnh việc điều tiết cung tiền lỏng tay hơn thông qua các công cụ trên thị trường mở như OMO, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành vài lần nữa từ nay đến cuối năm và thực hiện ngay trong quý II để củng cố định hướng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng nền kinh tế.
Cân đối huy động vốn – tín dụng dự kiến tiếp tục có xu hướng cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chưa có nhiều sự bứt phá, trong khi huy động vốn có thể tích cực hơn do nguồn cung vốn ngoại tệ tiếp tục duy trì trạng thái dồi dào.
“Tuy nhiên, lãi suất huy động vốn khó có thể giảm mạnh trong bối cảnh bức tranh sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận sự phân hóa kém đồng đều và trạng thái thanh khoản VND nhìn chung vẫn chưa thực sự bền vững”, lãnh đạo BIDV nhận định.
Được biết, từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng. Trước đó, Vietcombank đã công bố triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ 1/5/2023 đến hết 31/7/2023.
Kể từ ngày 8/5/2023, chỉ số DXY giảm xuống còn 101,1 điểm, giảm 4,0% kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sụp đổ. Qua đó, tỷ giá USD/VND giảm 0,8% so với đầu năm xuống 23.449. Nhờ áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung thêm khoảng 6 tỷ USD trong 4 tháng năm 2023, nâng dự trữ ngoại hối lên khoảng 93 tỷ USD. Điều này cũng có nghĩa, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra nền kinh tế khoảng 140.000 tỷ đồng để mua USD, giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước.
Bên cạnh đó là câu chuyện lạm phát Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Cụ thể, lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm là 2,8% so với cùng kỳ vào tháng 4/2023. Tính theo tháng, lạm phát của Việt Nam giảm 0,3% trong tháng 4 sau khi giảm 0,2% trong tháng 3, chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các chỉ số thành phần bao gồm lương thực và thực phẩm (giảm 0,4% so với tháng trước), văn hóa và giải trí (giảm 0,5% so với tháng trước), nhà ở và vật liệu xây dựng và giáo dục (giảm 1,7% so với tháng trước). Trong 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát bình quân của Việt Nam ở mức 3,8% so với cùng kỳ.
Đây là một thay đổi được thị trường đánh giá tích cực vì Fed không còn “dự đoán” về các đợt tăng lãi suất nữa. Thay vào đó, quyết định sẽ phụ thuộc vào số liệu vĩ mô thực tế sắp tới.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ suy thoái ngày càng gia tăng và thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ giảm áp lực lên tỷ giá VND cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu tín dụng suy yếu do các doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động kinh doanh do lo ngại về tiêu dùng suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)