Dù trên thực tế, thị trường đã chững lại nhưng mặt bằng giá nhà đất không hề sụt giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng. Giá đất ở những khu vực ngoại thành TP.HCM và Hà Nội liên quan tới các đồ án quy hoạch tăng mạnh trong bốn tháng đầu năm.
Giới chuyên gia đánh giá, giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM dự kiến sẽ còn tăng trong năm 2021. Các cơ quan chức năng cũng cho biết sẽ sớm có giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà thương mại giá thấp cũng như nhà ở xã hội phù hợp với các đối tượng. Cụ thể sẽ tập trung vào một số ưu đãi về quy hoạch, bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế huy động vốn…
Cùng với giá đất, giá trung bình căn hộ sơ cấp tại TP.HCM trong quý 1/2021 cũng tăng 2,9% so với quý trước và tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 2.219 USD/m2, do các dự án mới nằm ở vị trí được săn đón, điều kiện bàn giao, hỗ trợ thanh toán và tiện ích tốt hơn. Giá thứ cấp cũng tăng ấn tượng trong bốn tháng đầu năm, nhất là những khu vực có mức giá dưới 2.000 USD/m2 do khan hiếm nguồn cung mới. Trong đó, giá căn hộ thứ cấp tại Gò Vấp tăng mạnh nhất (11,1%), theo sau là Bình Tân tăng 7,6%, Bình Chánh tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Thị trường chung cư TP.HCM đã xác lập mặt bằng giá mới trong tháng năm với việc một dự án tại quận 1 được giới thiệu ra thị trường có mức giá dao động từ 300 – 400 triệu đồng/m2… Hiện một số dự án khác cũng đang dự kiến bán tới 500 – 700 triệu đồng/m2. Trong khi đó, căn hộ bình dân dưới 25 triệu/m2 lại rất ít, hầu như chỉ nằm ở khu vực xa trung tâm. Nếu trước đây, những dự án dạng này có giá trên dưới 20 triệu/m2 thì nay đã tăng lên trên 25 triệu/m2 và không còn căn hộ giá rẻ. Thực tế cho thấy thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất bị khủng hoảng sốt “bong bóng” hoặc bị “đóng băng” đều tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn, đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng thiết bị, các ngân hàng, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, người tiêu dùng, nhất là công nhân, lao động. Nếu không kịp thời xử lý thì sẽ dẫn đến các hệ lụy khó lường. Do đó, rất cần sự can thiệp kịp thời và hiệu quả của Nhà nước để bình ổn thị trường này.
Giao dịch thứ cấp trên thị trường cũng tương đối trầm lắng, tập trung ở những dự án hoàn thiện pháp lý, đang trong giai đoạn bàn giao với mức giá hầu như không thay đổi so với tháng tư. Thanh khoản sụt giảm mạnh từ nửa cuối tháng năm do ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực về khả năng dịch Covid tái bùng phát tại TP.HCM. Với các tỉnh giáp ranh, tình hình bán hàng tại các dự án khu đô thị đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do hầu hết các dự án mới có mức giá cao so với mặt bằng giá các dự án căn hộ hiện hữu lân cận. Tỷ lệ người mua với nhu cầu ở thực khá thấp, chủ yếu là đối tượng khách mua với mục đích đầu tư.
Thị trường Bình Dương, Đồng Nai đã qua “sóng” sau thời gian tương đối sôi động. Ngoài ra, dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng năm cũng gây tâm lý quan ngại đối với người mua và làm trì hoãn kế hoạch ra hàng của các chủ đầu tư. Về phân khúc nhà phố, biệt thự, trong tháng 5/2021, toàn thị trường TP.HCM và bốn tỉnh lân cận ghi nhận chín dự án mở bán (bao gồm ba dự án mới và sáu dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 1.263 căn, giảm 32% so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 24% (khoảng 308 căn), bằng 33% so với tháng 4/2021. Tính riêng TP.HCM, có ba dự án mở bán (bao gồm hai dự án mới và một dự án thuộc giai đoạn tiếp theo), cung cấp ra thị trường 75 căn, giảm 26% so với tháng trước. Chỉ có 40 căn được tiêu thụ, tương đương 53%, giảm 49% so với tháng tư. Tình hình giao dịch thứ cấp cũng kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do tác động từ việc bùng phát dịch. Nguồn cung mới toàn thị trường cũng sụt giảm so với tháng trước. Các tỉnh giáp ranh hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới. Trong khi TP.HCM chỉ có một dự án mở bán mới và một dự án mở bán giai đoạn tiếp theo với khoảng 374 căn, bằng 14% so với tháng trước (2.698 căn). Lượng tiêu thụ chỉ vào khoảng 31% với 115 giao dịch thành công, bằng 5% so với lượng tiêu thụ ở tháng trước (2.115 căn).
Từ tháng tư đến nay, tại những khu vực sốt đất trước đó, thị trường đã không còn “nhảy múa”. Mức độ quan tâm đất nền trong tháng tư đã giảm 18% so với tháng trước. Các tỉnh từng là điểm nóng về bất động sản như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… đều sụt giảm về mức độ quan tâm. Chẳng hạn, Hải Phòng giảm 36%, Bắc Ninh giảm 29%, Đà Nẵng giảm 21%.
Nhật Hạ