Tháng 11 năm ngoái, thị trường tài sản kỹ thuật số đạt đỉnh với việc đồng Bitcoin (BTC) đạt mức cao kỷ lục khi 1 BTC “ăn” 69.000 USD và mức vốn hóa thị trường này đạt khoảng 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó thị trường này liên tục lao dốc. Cho đến đầu tháng 5 năm nay, BTC đã lao xuống dưới mốc 30.000 USD. Thị trường chứng kiến sự bốc hơi “dữ dội” của loạt tài sản kỹ thuật số…
Nhìn chung, hiện nay các quốc gia có các cách tiếp cận với các mức độ phát triển khác nhau trong công cuộc chạy đua xây dựng chính sách điều chỉnh tài sản kỹ thuật số.
Một số quốc gia đã xây dựng các cơ chế tương đối đầy đủ và toàn diện nhằm khuyến khích áp dụng các loại tài sản mới này, như Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Anh, Singapore; một số đang tích cực xây dựng và áp dụng các chính sách mới để bắt kịp các quốc gia đi đầu như Nga, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia; và số còn lại tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và mới dừng lại ở việc nghiên cứu các loại tài sản này như Việt Nam.
Dù với cách tiếp cận nào, các cơ quan quản lý đều hướng tới mục tiêu nhận diện và quản lý được rủi ro hoạt động và rủi ro hệ thống của các loại tài sản này nhằm đảm bảo được sự ổn định của thị trường tài chính.
Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản do đặc điểm giao dịch liên thị trường, xuyên biên giới của các loại tài sản này. Phần lớn các quốc gia đều đã đưa ra các cảnh báo về các rủi ro liên quan đến các loại tài sản này như rủi ro lừa đảo, rủi ro biến động thị trường, rủi ro thanh khoản và rửa tiền.
Ngày 18/5, BTC giảm về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua khi chỉ còn hơn 28.000 USD sau những công bố của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới khi lạm phát hạ nhiệt. Mức vốn hóa thị trường tài sản số này theo đó giảm chỉ còn đạt khoảng 1,24 nghìn tỷ USD.
Mặc dù mức vốn hóa thị trường này vẫn còn nhỏ so với mức vốn hóa các thị trường tài chính truyền thống, nhưng sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng cao đối với các loại tài sản này đã đặt ra các yêu cầu đối với chính sách điều chỉnh hoạt động đầu tư trên thị trường này, đặc biệt là sau khi Luna và TerraUSD gần như mất sạch giá trị vào ngày 13/5 khiến nhiều sàn giao dịch đi đến quyết định tạm dừng giao dịch các đồng tiền này.
Thậm chí, Cơ quan quản lý Hàn Quốc phải đưa ra quyết định điều tra “khẩn cấp” thị trường giao dịch tiền kỹ thuật số để tìm ra các phương án bảo vệ nhà đầu tư trong tương lai.
Tuy nhiên, cho tới nay các chính sách điều chỉnh tài sản số vẫn còn rất “mỏng”, và có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Điều này lại càng tạo ra nhiều thách thức trong việc điều chỉnh hoạt động này.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ vẫn tiếp tục phải trả lời các câu hỏi về việc bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ nhà đầu tư.
Các quốc gia cần hợp tác và xây dựng cách tiếp cận nhất quán đối với tiền và các loại tài sản kỹ thuật số. Theo đó, các khuôn khổ, quy định quốc tế cần cho phép một sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia theo tiêu chí “lợi nhuận lớn, rủi ro cao”.
Bài học từ Luna và TerraUSD cho thấy các tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử hay rộng hơn là tài sản kỹ thuật số cần phải có được sự cấp phép từ các cơ quan quản lý sau khi đáp ứng được những tiêu chí nhất định do các cơ quan này yêu cầu. Những quy định này sẽ không chỉ giới hạn đối với các công ty cung cấp tài sản, giải pháp kỹ thuật số mà cả các sàn cung cấp dịch vụ giao dịch và các loại hình công ty liên quan khác.
Các quy định cần bao gồm lưu trữ, chuyển giao, thanh toán, lưu ký các khoản dự trữ của các loại tài sản này. Các quy định này sẽ tương tự như các quy định đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường tài chính hiện hành, nhưng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tính chất của tài sản kỹ thuật số và các loại Stablecoins (đồng tiền ổn định) và đồng thời cung cấp các khuyến nghị đối với những rủi ro tiềm ẩn đối với các loại tài sản không đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.
Tổng Hợp