Thị trường chứng khoán vốn được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng hàn thử biểu này trong giai đoạn vừa qua đang có những phản ánh được cho là lệch pha. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 sụt giảm mạnh cả điểm số và thanh khoản…
Thanh khoản vẫn là tâm điểm của thị trường khi tiếp tục bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu được bắt nguồn từ lo ngại về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khi thị trường này đã tăng nóng trong vài năm gần đây.
Sau các vụ việc sai phạm ở một số tập đoàn lớn bị xử lý, áp lực nhà đầu tư đáo hạn trái phiếu trước hạn gia tăng, đã tác động tiêu cực đến các tổ chức tài chính, các tổ chức phát hành trái phiếu và cả thị trường chứng khoán.
Hệ quả, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE giảm về mức 9.253 tỷ đồng/phiên trong tháng 10. Các đợt sụt giảm sâu trong tháng 10, tháng 11 khiến hơn 90% cổ phiếu ghi nhận giảm giá, trong đó rất nhiều cổ phiếu giảm giá đến 60 – 70% liên tục xác lập mức đáy mới của năm.
Tại Việt Nam, GDP tăng trưởng tốt, song thị trường chứng khoán lại ghi nhận sự sụt giảm bậc nhất, nguyên nhân ngoài việc siết chặt tín dụng, còn bắt gặp vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp, hay nguồn vốn đang bị kẹt.
Khi tín dụng bị thắt chặt, dòng vốn chảy vào bất động sản hay kênh trái phiếu bị “đóng băng”, nhiều chủ doanh nghiệp bất động sản tìm cách huy động từ các kênh khác như cầm cố cổ phiếu thuộc sở hữu của mình, của người thân và các tổ chức liên quan. Hành động này gây rủi ro khi cổ phiếu được cầm cố giảm mạnh, gây nên hiệu ứng hòn tuyết lăn nhiều ngày qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang chịu nhiều thử thách bởi những quy định chặt chẽ hơn trên thị trường trái phiếu. Điều này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sẽ khiến thị trường xáo động trong ngắn hạn, nhưng sẽ tốt trong dài hạn.
Với mức giảm mạnh từ đỉnh 1.500 điểm về vùng 950 điểm, thậm chí có lúc giảm sâu dưới ngưỡng 900 điểm, định giá của VN-Index đã đi về mức thấp trong nhiều năm, thấp hơn cả lúc mới xảy ra Covid, nhưng vẫn không thu hút được dòng tiền.
Không chỉ của các nhà đầu tư non trẻ, mà cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng không hình dung được mức độ khốc liệt và chuyển biến quá nhanh của thị trường vừa qua.
Sự kiện FLC và Tân Hoàng Minh mở màn cho chuỗi giảm điểm trường kỳ của VN-Index trong năm 2022. Tiếp đó là cú bồi mạnh mẽ hơn từ vụ việc Vạn Thịnh Phát – SCB, tác động trực diện tới lòng tin của nhà đầu tư, khiến thanh khoản ngày càng cạn kiệt.
“Năm 2022 xem như bỏ, xoá đi làm lại” là suy nghĩ của rất nhiều nhà đầu tư. Hiện tượng giá cổ phiếu giảm sâu hàng loạt trong tháng 11, hiệu ứng tuyết lăn, giá càng giảm, áp lực call margin, force sell càng lớn, bán giải chấp treo lệnh hàng chục, cả trăm triệu đơn vị nhưng trắng bên mua…, càng nhấn sâu điểm số thị trường và cả lòng tin của nhà đầu tư.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, vùng giá này là rất hấp dẫn với những doanh nghiệp đầu ngành, có lịch sử phát triển tốt, nhưng họ vẫn đang hoang mang chưa rõ những vấn đề liên quan đến sai phạm còn tới đâu, ứng xử của doanh nghiệp trước những áp lực thanh khoản, cụ thể là trả nợ trái phiếu trước hạn/đến hạn có giải pháp nào khả thi không, khi việc phát hành mới để đảo nợ đã đứng im từ quý II đến nay.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, giá cổ phiếu giảm sâu có lực đỡ từ các “ông chủ” lớn, thì nay, dòng tiền đó cũng đang được ưu tiên quay về sản xuất, bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp.
Diễn biến rõ nhất là dòng tiền margin, tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng dư nợ cho vay (dư nợ margin + tạm ứng) hơn 168.000 tỷ đồng, con số được cho là kỷ lục, nhưng giao dịch hàng ngày vẫn rất thấp. Lý giải điều này, các chuyên gia đồng thuận cho rằng, các tài sản dễ thanh khoản như cổ phiếu đang bị bán ra hoặc sử dụng làm tài sản đảm bảo nhằm lấy tiền mặt cho nhu cầu ngoài giao dịch…
Chưa kể, đứng trước bối cảnh rủi ro trên thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán cũng đang tăng tốc thu hồi vốn cho vay margin.
Tổng Hợp