Thị trường chứng khoán Việt Nam đỏ lửa trong hai phiên liên tiếp 7-8/6 với chỉ số VN-Index sụt lần lượt 1,1% và 2,9%; chỉ số bluechip VN30 cũng mất tương ứng 1,3% và 3% trong hai phiên vừa qua.
Hôm nay 8/6, sắc đỏ áp đảo sàn HOSE khi có tới 321 mã giảm giá và chỉ 94 mã tăng, 40 mã tham chiếu. Trong rổ vốn hóa lớn VN30 chỉ có 4 thành viên tăng, còn lại 26 mã lao dốc. Giảm ít nhất là cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động với tỷ lệ chỉ 0,1%; STB của Sacombank sụt sâu nhất khi đóng cửa ở giá sàn.
Một số cổ phiếu diễn biến khởi sắc đã hạn chế đà giảm của VN-Index như ở nhóm hàng không có HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet; nhóm bia – rượu – đồ uống có SAB của Sabeco, BHN của Habeco, VNM của Vinamilk; dược phẩm có DHG của Dược Hậu Giang. Kết phiên hôm nay, giá cổ phiếu VJC tăng 4,8% và đóng góp gần 0,8 điểm vào VN-Index, SAB góp gần 0,3 điểm, HVN cũng giúp chỉ số thêm gần 0,2 điểm.
Thống kê trên cả HOSE, HNX và UPCoM, toàn bộ 26/26 cổ phiếu ngân hàng đều giảm trong phiên hôm nay, trong đó có ba mã nằm sàn là STB của Sacombank, LPB của LienVietPostBank và MSB của Ngân hàng Hàng Hải. Sắc đỏ cũng bao trùm nhóm chứng khoán với nhiều mã đi xuống như SSI, VDS, VCI, …, một số mã kịch sàn gồm HCM, CTS, VIX, IVS, PSI, BSI.
Nhóm dầu khí giao dịch tích cực trong phiên 7/6 với nhiều mã tăng mạnh như BSR, PVS, PVD, PXS, … Tuy nhiên, trong phiên hôm nay 8/6, cổ phiếu dầu khí cũng bị bán tháo ồ ạt với PVS, PVD, PXS, PVB, PVC đều giảm kịch sàn, BSR và OIL mất lần lượt 10% và 11%. Trong báo cáo phân tích công bố tối 7/6, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc công ty chứng khoán không cho nhà đầu tư sửa và hủy lệnh giao dịch để giảm nghẽn lệnh sẽ gây ra nhiều biến động lớn trên thị trường trong thời gian tới.
CTG của VietinBank là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index trong phiên hôm nay khi đóng cửa giảm 5,8%, khiến chỉ số chung mất 3 điểm. Các cổ phiếu VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup, TCB của Techcombank đều làm cho VN-Index sụt gần 3 điểm. Trong top 10 tác động tiêu cực tới chỉ số hôm nay còn có ba mã ngân hàng khác là BID của BIDV, MBB của Ngân hàng Quân Đội và ACB của Ngân hàng Á Châu.
Sau chuỗi tăng điểm kéo dài, TTCK Việt Nam đã đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh trong 2 phiên giao dịch gần đây khi mất tổng cộng hơn 54 điểm (gần 4%) và hiện đã về dưới 1.320 điểm. Trong đó, phiên giao dịch 8/6 ghi nhận mức giảm mạnh nhất Châu Á khi chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 38,9 điểm (-2,86%). Theo dữ liệu từ HoSE, trong 2 phiên giao dịch gần nhất, vốn hóa HoSE đã “bốc hơi” tổng cộng 203.177 tỷ đồng (8,8 tỷ USD) so với thời điểm VN-Index lập đỉnh 1.374 điểm vào cuối tuần trước. Riêng phiên giao dịch 8/6, vốn hóa HoSE giảm thêm 145.768 tỷ đồng (6,3 tỷ USD).
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN đã lên tiếng cảnh báo TTCK Việt Nam dù đang tăng trưởng thuận lợi nhưng trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Nhật Hạ