Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân quá đông khiến thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khó lường, rủi ro đầu cơ cao.
Dù năm 2022, thị trường cổ phiếu giảm mạnh cả về điểm số và thanh khoản, nhưng dòng tiền không rút ra khỏi thị trường chứng khoán, mà tìm kiếm cơ hội ở kênh phái sinh. Cụ thể, trong năm qua, thị trường chứng khoán phái sinh chứng kiến sự tăng trưởng số hợp đồng giao dịch với mức tăng 44% so với năm 2021.
Điểm sáng nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 là sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ giao dịch của khối ngoại trong năm 2022 ghi nhận ở mức 7,41% trên toàn thị trường, trong khi năm 2021 là 6,67%. Theo thống kê của chúng tôi, trong tổng giá trị giao dịch mua ròng của khối ngoại từ giai đoạn tháng 4/2022, dòng vốn ròng của ETF chiếm tới hơn 72% giá trị, đặc biệt là dòng vốn ETF tại khu vực châu Á.
Thị trường chứng khoán trong năm 2023 dự báo còn đối mặt với các khó khăn khi Fed dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ và châu Âu gần đây đã hạ nhiệt, nên tốc độ tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác có thể sẽ chậm lại. Thậm chí, nếu lạm phát nhanh chóng giảm mạnh trong giai đoạn tới, Fed có thể sẽ “quay xe” chính sách, hướng về mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế, qua đó kích hoạt dòng tiền trở lại với thị trường chứng khoán.
Nếu như năm 2021, VN-Index là một trong các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 35,7%, thì sang năm 2022, mọi chuyện lại đảo ngược hoàn toàn khi VN-Index nằm trong Top giảm mạnh nhất thế giới khi mất gần 32,8%. Đây cũng là năm chỉ số chính giảm mạnh nhất kể từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường, cả các yếu tố bất định của thế giới cũng như các yếu tố trong nước. Trên thế giới, cuộc xung đột Nga – Ukraine và chính sách Zero Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng, đẩy giá hàng hóa, lương thực, năng lượng tăng cao, gây áp lực lạm phát do chi phí đẩy. Điều này đã buộc các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải tăng nhanh và mạnh lãi suất, đồng thời thu hẹp gói định lượng QE.
Động thái này như một cú “thắng gấp”, khiến các thị trường tài chính, hàng hóa chao đảo, trong đó có chứng khoán Việt Nam.Trong nước, chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh và mạnh của Fed đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, buộc Ngân hàng Nhà nước phải 2 lần tăng lãi suất điều hành liên tiếp trong tháng 9 và tháng 10/2022, với tổng mức tăng 2%/năm, gây tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, đặc biệt là trong tháng 11/2022.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán, cùng với việc siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những sai phạm của một số doanh nghiệp đã khiến niềm tin bị suy giảm, các doanh nghiệp bất động sản bị “gãy” cả 4 kênh huy động vốn là tín dụng, trái phiếu, từ khách hàng và từ thị trường cổ phiếu. Điều này khiến thị trường bất động sản bị mất thanh khoản, đẩy nhóm cổ phiếu địa ốc lao dốc, với mức giảm trung bình trong năm 2022 gần 50%.
Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh – khi tăng thì tăng phi mã, khi giảm thì giảm quá đà – một phần đến từ yếu tố cơ cấu nhà đầu tư chưa hợp lý khi nhà đầu tư cá nhân quá lớn. Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thể hiện rõ nét bản chất của thị trường cận biên, tức là thị trường có tính đầu cơ cao do tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân quá lớn.
Trong năm 2021, tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ chiếm tới hơn 90% tổng thanh khoản của thị trường. Con số này có giảm về mức 80 – 85% trong năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao, nên rủi ro đầu cơ vẫn lớn.
Các cơ quan quản lý đang phấn đấu đưa hệ thống KRX vào giao dịch trong năm 2022, thử nghiệm giao dịch T+2, T+1,5 trong thời gian tới nhằm hoàn thành mục tiêu được đề ra trong Đề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán năm 2020 và định hướng 2025.
So sánh với với thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), được xem như một trong bốn “con hổ” của châu Á, quy mô vốn hóa thị trường Việt Nam trên GDP ở mức 93,5%, tương đương với thị trường Đài Loan giai đoạn 1990 (hiện tại Đài Loan ở mức 229%) và số lượng tài khoản chứng khoán/dân số chỉ tương đương giai đoạn 1988 (hiện tại Đài Loan ở mức 87,2%). Điều này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng và còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Trên những cơ sở đó, BSC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 3-5 năm tới sẽ phát triển tích cực, mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ được hiện thực hóa vào năm 2025 khi các tổ chức xếp hạng FTSE, MSCI đã có những ghi nhận nhất định về sự phát triển của thị trường.
Tỷ lệ người dân tham gia chứng khoán sẽ sớm đạt 8%. Kỳ vọng 10 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tầm cỡ, quan trọng trong khu vực.
Tổng Hợp
(Đầu Tư Chứng Khoán)