Khi giá cổ phiếu nhảy vọt, nhà đầu tư dễ cảm thấy hưng phấn tột độ, có thể tự cho mình là “Chúa tể thị trường” hay “Ông hoàng gọi nến”. Thị trường chứng khoán luôn mang lại nhiều cảm xúc cho những người tham gia.
Paul Samuelson, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel cho rằng nếu đầu tư mà mang lại cảm giác phấn khích thì thực ra đó là đánh bạc. Ông nổi tiếng với câu nói: “Đầu tư cũng phải buồn tẻ như ngồi đợi sơn khô hay xem cỏ mọc vậy. Nếu thích cảm giác mạnh thì đi mà cầm 800 USD rồi đến Las Vegas”.
Nhà đầu tư huyền thoại Peter Lynch cũng khuyên những người ham cảm giác mạnh hãy tìm đến những sòng bạc nổi tiếng thế giới ở Monte Carlo hay Nassau vì “nếu bạn thua khi đánh bạc ở những nơi xa xỉ đó, ít nhất bạn cũng đã có những giây phút vui vẻ. Nếu bạn thua trên thị trường chứng khoán, bạn chẳng có sự an ủi nào cả”.
Lúc giá lao dốc, tài khoản đỏ lòm, nhiều nhà đầu tư thẫn thờ như người mất hồn, đến cơ quan thì buồn rầu, về nhà cũng ủ dột vì “vô tình lướt sóng thành cổ đông”. Còn khi cổ phiếu trong tài khoản của mình cứ đi ngang mãi thì tâm lý của nhiều người là sốt ruột, không tăng hẳn để chốt lời, không giảm mạnh để cắt lỗ, không biết nên làm gì.
Trong một tháng gần đây (từ 30/7 đến 1/9), thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít các cổ phiếu đi loanh quanh kiểu này. Cụ thể theo dữ liệu từ Chứng khoán SSI, chỉ tính các cổ phiếu có vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng đã có tới 69 mã với giá cuối ngày 1/9 khác biệt không quá 2% so với giá kết phiên 30/7. Ba cổ phiếu vốn hóa lớn nhất toàn thị trường là VCB của Vietcombank, VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes đều góp mặt trong danh sách này. Một số thành viên khác của rổ VN30 cũng có tên như PLX của Petrolimex, VRE của Vincom Retail, MWG của Thế Giới Di Động, VPB của VPBank, MSN của Masan, … Đối với nhiều cổ phiếu, một tháng vừa qua có thể coi là thời gian nghỉ ngơi và tích lũy sau giai đoạn tăng nóng. So với mức giá đầu năm 2021, MWG hiện vẫn cao hơn 39%, FPT đã tăng 80%, VPB tăng 89%, NVL vọt lên 118%, … Cũng có những cổ phiếu trước đây không tăng mạnh mà một tháng vừa qua cũng đi ngang như PLX, VCB, VRE hay SAS của Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, …
Nhiều cổ phiếu có giá đi ngang cùng với thanh khoản thấp, ví dụ điển hình là GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá GAB chỉ ở trong khoảng 193.000 – 196.000 đồng/cp và nằm trong top 5 mã có giá đơn vị lớn nhất thị trường. Khối lượng khớp lệnh trung bình trong 20 phiên gần đây chỉ là 230 đơn vị, tương đương giá trị gần 50 triệu đồng. Cứ sau vài phiên giảm nhẹ, GAB lại bật tăng và tạo nên đồ thị giá hình răng cưa hiếm thấy trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vốn điều lệ của GAB hiện nay là 138 tỷ đồng, tương đương với 13,8 triệu cổ phiếu lưu hành. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways – là cổ đông lớn nhất khi sở hữu hơn 51%. Số cổ phiếu GAB còn lại không lớn nên thanh khoản khó có thể lên cao. Một số cổ phiếu khác cũng có giá cao và ít biến động trong thời gian gần đây có thể kể đến như RAL của Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (173.000 đồng/cp) hay CMF của Thực phẩm Cholimex (185.600 đồng/cp), FOC của FPT Online (112.900 đồng/cp) …
Trong cả ba phiên giao dịch của tuần này (từ 30/8 đến 1/9), các chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc xanh.
Dòng tiền tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa vừa – nhỏ, và những nhóm này đóng góp chủ yếu vào thanh khoản cũng như mức tăng của thị trường chung. Ngược lại, cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 tỏ ra tụt hậu khi chỉ đi lên trong phiên đầu tuần rồi giảm trong hai phiên 31/8 và 1/9. Tính chung trong tuần qua, VN-Index tăng 1,6% trong khi VN30 chỉ thêm 0,59%. Chỉ số đại diện sàn HNX và thị trường UPCoM đi lên lần lượt 1,4% và 2,1%.
Nhật Hạ