Theo lộ trình mà Chính phủ đặt ra, năm nay sẽ là hạn cuối cùng để các ngân hàng phải đưa cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại các sàn chứng khoán. Tuy nhiên, với việc thị trường đang phập phù do tác động của dịch bệnh Covid-19, liệu kế hoạch này có ‘cán đích’?
Cấp tập lên kế hoạch niêm yết, chuyển sàn
Tại Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có yêu cầu bắt buộc thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Như vậy, tính tới thời điểm này, chỉ còn tròn 6 tháng nữa là đến hạn cuối để các ngân hàng phải hoàn thiện kế hoạch lên sàn theo yêu cầu của các cơ quan quản lý. Nhiều nhà băng cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục lên sàn, sau nhiều lần trì hoãn, nhưng cũng không ít ngân hàng có khả năng sẽ “lỗi hẹn” trong năm nay.
Tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank mới đây, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong năm 2020.
Trong thời gian chưa niêm yết trên HOSE, SeABank sẽ ủy quyền cho HĐQT xem xét, quyết định việc đăng ký giao dịch trên UPCoM trong trường hợp cần thiết theo thực tế hoạt động của ngân hàng cũng như diễn biến của thị trường hoặc theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Còn OCB – một ngân hàng cũng đã nhiều lần lỡ hẹn, tại ĐHCĐ lần này cũng đã công bố lên kế hoạch niêm yết trên HOSE trong năm nay. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, OCB đã lên phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ để tăng vốn điều lệ thêm gần 1,185 tỷ đồng, trong đó đã phê duyệt phát hành gần 868.7 tỷ đồng cho Ngân hàng Aozora.
Còn tại NamABank, Ban lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, đã thực hiện gửi hồ sơ đến Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) để thực hiện các thủ tục đăng ký lưu ký tập trung cổ phiếu, làm cơ sở để hoàn thiện thủ tục niêm yết chứng khoán. HĐQT ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu tại HOSE, chậm nhất cuối tháng 12 năm nay.
Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng lên kế hoạch chuyển sàn trong năm nay. Có thể kể đến ACB, tại ĐHCĐ mới đây, các cổ đông đã thông qua kế hoạch chuyển sang HOSE trong năm 2020. Trong đó, việc chuyển sàn sẽ chia làm hai bước: bước 1 là chốt cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 9; sau đó tháng 11, tháng 12 sẽ chuyển sàn sang HOSE.
Tương tự, VIB, LienVietPostBank cũng lên kế hoạch chuyển từ sàn UPCoM lên sàn HOSE trong năm nay. Hay SHB mới đây cũng đã quyết định chuyển sàn giao dịch từ HNX sang HOSE…
Liệu có “lỗi hẹn”?
Dù kế hoạch niêm yết, chuyển sàn đã có, nhưng với thực trạng phập phù của thị trường chứng khoán như hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu những kế hoạch này có cán đích trong năm nay.
Trên thực tế, nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục giảm sau khi đạt đỉnh tháng 4/2018 đã khiến nhiều ngân hàng phải lùi kế hoạch niêm yết. Đến nay, dù chỉ còn 6 tháng nữa là thời hạn cuối cũng nhưng vẫn có khoảng 10 ngân hàng chưa lên sàn.
Mới đây nhất, cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 1,175 tỷ cổ phiếu (tương đương vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng) lên HOSE với mã chứng khoán MSB. Nhưng tại ĐHCĐ thường niên diễn ra vào tháng 5-2020, HĐQT MSB đã trình cổ đông thông qua việc rút lại hồ sơ đăng ký niêm yết lần một tại HOSE và quyết định thời điểm khởi động lại việc thực hiện niêm yết cổ phiếu ở thời điểm thị trường thuận lợi.
Lãnh đạo MSB giải thích, cuối năm 2019, MSB đã nộp hồ sơ nhưng có thể do khối lượng hồ sơ lớn nên chưa xử lý kịp. Sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế và ngành ngân hàng cũng như các doanh nghiệp trên sàn bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, MSB đã quyết định tạm hoãn niêm yết vì niêm yết nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích cổ đông. Tuy nhiên, HĐQT MSB cũng cam kết sẽ niêm yết trong năm nay, khi thị trường thuận lợi.
SCB cũng đã thông qua phương án đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, và dự kiến niêm yết chính thức trên sàn chứng khoán sau năm 2022 vì theo HĐQT ngân hàng này, lúc đó sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc “chốt” room ngoại khi năng lực tài chính cũng như sức cạnh tranh mạnh hơn.
ABBank cũng đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE, nhưng tại ĐHCĐ mới đây, ABBank cũng đã báo cáo việc thay đổi lộ trình kế hoạch niêm yết do chuyển trụ sở chính từ TP.HCM ra Hà Nội.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, hiện nay môi trường tài chính không thuận lợi cho việc lên sàn của các ngân hàng.
“Thứ nhất giá cổ phiếu đang dao động tiệm cận 900 điểm, nhưng đùng một cái dịch bệnh có thể đẩy giá cổ phiếu xuống. Vì vậy, thị trường chứng khoán đang rất bất ổn. Thứ hai, nhiều ngân hàng giá thị trường đang dưới mệnh giá, vì vậy họ muốn chờ đợi khi nào giá thị trường ít nhất bằng mệnh giá thì họ mới phát hành” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Thế nhưng, theo vị chuyên gia này, dù các điều kiện không thuận lợi nhưng chúng ta không thể không chần chừ mãi được.
“Đây là cuộc chơi chung và chúng ta phải tuân thủ. Trong một trận bóng, không phải lúc nào cũng được chọn góc đẹp mới đá” – TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.