Khối ngoại bán ròng 5 tháng đầu năm 2021 bằng tổng năm 2020 và 2016 cộng lại. Tuần giao dịch vừa qua (17-21/5), khối ngoại đã bán ròng hơn 3.100 tỷ đồng, “hạ nhiệt” đôi chút so với mức bán ròng kỷ lục gần 3.600 tỷ đồng trong tuần trước đó.
Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho biết, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 23.570 tỷ đồng (1 tỷ USD) trên HoSE và là con số bán ròng kỷ lục từ trước tới nay. Lượng bán ròng của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm 2021 tương đương lượng bán ròng trong cả năm 2020 và 2016 cộng lại. Đáng chú ý, năm 2016 và 2020 cũng là hai năm mà khối ngoại bán ròng trong thập kỷ qua.
Bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, TTCK Việt Nam vẫn bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch 21/5, chỉ số VN-Index dừng tại 1.283,93 điểm, mức cao nhất trong lịch sử, tăng gần 15% so với đầu năm. Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường là các nhà đầu tư trong nước. Số liệu từ VSD cho biết trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 366.816 tài khoản chứng khoán, bằng 93% lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).
Top 10 cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay còn có sự hiện diện của POW (-1.654 tỷ đồng), KDH (-1.441 tỷ đồng), GAS (-1.086 tỷ đồng), SSI (-929 tỷ đồng). Các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, VNM là cái tên dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 6.500 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng giảm khoảng 17% so với thời điểm đầu năm và hiện đang ở mức giá thấp nhất từ tháng 8/2020.
Có lẽ lo ngại áp lực cạnh tranh mạnh trong ngành sữa cùng với sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh của VNM trong những năm gần đây đã khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu này. Nằm top đầu trong danh sách bán ròng của khối ngoại là HPG với giá trị 5.937 tỷ đồng, trong đó có vai trò không nhỏ từ cổ đông ngoại Penm. Dù vậy, HPG vẫn có nhịp tăng khá mạnh khoảng 50% từ đầu năm tới nay trong bối cảnh giá thép tăng “phi mã”. Bộ đôi VIC, VHM cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 1.867 tỷ đồng và 1.601 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG cũng được khối ngoại mua ròng 1.535 tỷ đồng ngay khi “hở room” do phát hành ESOP.
Nhật Hạ