Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận 1 tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp lực bán xuất hiện liên tiếp, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ rung lắc…
Thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận 1 tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào 2 ngày đầu tuần khiến chỉ số chính đã có lúc lùi về vùng 1.030 điểm trước khi phục hồi vào các phiên sau đó giúp VN-Index có cải thiện nhỏ về mặt chỉ số so với tuần trước.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,4%) lên 1.059,31 điểm, HNX-Index tăng 1,45 điểm (+0,7%) lên 209,95 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,2% so với tuần giao dịch trước đó xuống 43.161 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,9% xuống 2.513 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,9% lên 4.851 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11% lên 314 triệu cổ phiếu.
Xét theo mức độ đóng góp, BID, TCB, HPG, CTG, GAS là những mã có tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tính riêng BID đã góp gần 4 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VHM, VCB, NVL và VIC là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua giúp cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự phục hồi. Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa, tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa. Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 1% giá trị và giúp giữ nhịp cho thị trường chung. Các ngành có mức tăng dưới 1% là dược phẩm và y tế (+0,6%), công nghiệp (+0,5%).
Khối ngoại quay đầu bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng khoảng 410 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 14,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và NVL với lần lượt 13,4 và 6,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PVD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,2 triệu cổ phiếu.
Ôg Đỗ Hoàng Quân, Giám đốc phân tích VPS lưu ý trong thời điểm hiện nay nhà đầu tư có thể canh mua ngắn hạn tại những cổ phiếu đang tích lũy tốt để hạn chế rủi ro hoặc những nhóm ngành có thể dẫn dắt như điện, cảng biển, dầu khí.
Trước diễn biến tuần qua, SHS nhận định thị trường tạm thời thoát khỏi nguy cơ quay trở lại downtrend và tiếp tục duy trì sóng hồi. Theo nhóm phân tích này, nếu VN-Index không rơi xuống dưới 1.050 điểm trong ngắn hạn thì khả năng cao sẽ tạo được một kênh sóng hồi và vẫn có kỳ vọng chỉ số chính có thể hướng tới mục tiêu 1.150 điểm.
Với góc nhìn trung – dài hạn, theo SHS ngay cả khi VN-Index thủng ngưỡng 1.050 một cách dứt khoát để trở lại xu hướng downtrend trung hạn thì vẫn còn 2 mốc hỗ trợ quan trọng là 1.000 và 950 điểm (đáy cũ) do đó vẫn có thể kỳ vọng chỉ số chính hình thành đáy trung – dài hạn 950 điểm.
“Vận động hiện tại của VN-Index vẫn chỉ vận động trong kênh hồi phục ngắn hạn, về trung dài hạn thị trường đang trong khu vực phục hồi sau đáy với biên độ rộng và cần thêm một giai đoạn chặt chẽ trở lại với khối lượng giao dịch thấp (tích lũy cạn kiệt) thì mới có thể tạo nền tảng để hình thành uptrend mới, do đó chung tôi cho là thị trường cần thêm thời gian tích lũy”, SHS cho hay.
Về mặt kỹ thuật SHS đánh giá thị trường đang có tín hiệu tích cực ở nhóm một số cổ phiếu đầu ngành đặc biệt là ngân hàng khi nhóm này chứng tỏ sức mạnh và không giảm điểm sâu, nhiều cổ phiếu như VCB, BID.. vẫn dao động quanh đỉnh thời đại và có thể vượt đỉnh. Tín hiệu tiếp theo để có thể hy vọng thị trường đang dần tìm đến vùng tích lũy ở khu vực hiện tại đó là khối lượng dao dịch đang có dấu hiệu giảm dần tạo cơ hội đầu tư trung dài hạn.
SHS lưu ý sau tuần hồi phục qua thì các cơ hội giải ngân vẫn xuất hiện ở cả ngắn, trung – dài hạn. Trong đó ưu tiên hơn với hoạt động đầu tư trung – dài hạn và mục tiêu ở các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Về góc nhìn kỹ thuật, VCBS nhận định trong ngắn hạn, vùng điểm 1.030 – 1.040 tạm thời vẫn đang là hỗ trợ của thị trường. Xét về khung đồ thị ngày, thị trường vẫn sẽ rung lắc với biên độ hẹp trong các phiên tới, nhà đầu tư cân nhắc tận dụng những phiên tăng điểm tốt của thị trường để hiện thực hóa lợi nhuận từng phần đối với những cổ phiếu đã bắt đáy thành công.
Ông Đinh Quang Hinh – Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect – nhận định, tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ như việc một số ngân hàng thương mại chủ động hạ lãi suất huy động và cho vay, Nghị định 65 sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Điều này giúp cổ phiếu ngành bất động sản có xu hướng phục hồi trong những phiên cuối tuần.
Dù vậy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn yếu, thể hiện qua việc thanh khoản thị trường ở mức thấp. Ông Hinh dự báo, thị trường sẽ gặp thử thách trong tuần tới khi chỉ số VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm. Nếu không vượt qua được kháng cự trên với thanh khoản cải thiện, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trở lại và kiểm định vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm một lần nữa, trước khi xác định xu hướng rõ ràng hơn.
Do đó, nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu khi VN-Index tiệm cận vùng kháng cự 1.065-1.080 điểm và chờ kiểm định lại vùng đáy ngắn hạn 1.035-1.040 điểm. Đồng thời, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị danh mục, hạn chế tối đa sử dụng margin ở thời điểm hiện tại để phòng ngừa rủi ro.
Nhóm phân tích của Chứng khoán SHS cho rằng, dưới góc nhìn ngắn hạn, nếu VN-Index không rơi xuống dưới 1.050 điểm, thì khả năng cao sẽ tạo sóng hồi và kỳ vọng hướng tới mục tiêu 1.150 điểm.
Về vĩ mô, trong ngắn hạn xuất hiện tín hiệu tích cực, là việc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine có xu hướng leo thang khiến giá năng lượng và nhiều mặt hàng nguyên liệu cơ bản tiếp tục biến động khó lường và nguy cơ lạm phát, lãi suất tiếp tục tăng vẫn là rủi ro lớn.
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư, Tiền Phong)