Tương lai chỉ có một điều cần chú trọng, làm sao để thị trường xoay quanh hai chữ minh bạch.
Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ảnh: Internet)
Nhận xét về hoạt động của thị trường chứng khoán 20 năm qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Từ Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM cách đây 20 năm, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký chứng khoán cùng nhau vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.
Trên thị trường hiện nay có 74 công ty chứng khoán và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, với quy mô vốn ngày càng lớn và chất lượng dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng, phát huy vai trò cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường cũng gia tăng nhanh, từ mức 3.000 tài khoản năm 2000 lên mức 2,5 triệu tài khoản hiện nay.
Trong đó, có khoảng 33.000 tài khoản của các tổ chức và cá nhân nước ngoài, với tổng giá trị chứng khoán nắm giữ tương đương gần 35 tỷ USD tính đến 30/6/2020.
Dù số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sau 20 năm đã tăng cả nghìn lần so với những ngày đầu, nhưng so với dân số hơn 95 triệu người Việt Nam, tỷ lệ tham gia thị trường còn rất nhỏ (chưa tới 3%).
Bên cạnh đó, tâm lý “chơi chứng khoán”, “đánh chứng khoán” còn hiện hữu, ít có sự cải thiện trong thời gian qua. Chính điều này cũng tạo rào cản đối với hoạt động thu hút dòng vốn.
Đầu tư chứng khoán cần được nhìn nhận là một kênh đầu tư, tích lũy, tiết kiệm hiệu quả mới là yếu tố thiết yếu thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, tạo nên quá trình phát triển bền vững của thị trường.
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Ký ức và Kỳ vọng – Kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam” ngày 28/7 do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư tham gia thị trường những ngày đầu cho biết, ông luôn xem việc đầu tư chứng khoán là một nghề. Suy nghĩ này gặp nhiều ý kiến đối lập, bởi những người xung quanh chủ yếu coi đây là thú chơi.
“Tiền gửi tiết kiệm trong dân hiện rất lớn, trong khi thị trường chứng khoán mang lại hiệu quả tốt, nhưng chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Tôi mong muốn thanh khoản thị trường sẽ tăng mạnh hơn nữa, mà yếu tố có vai trò quyết định chính là cải thiện tính minh bạch để tạo được niềm tin của nhà đầu tư, coi đây là một kênh tiết kiệm nghiêm túc, hiệu quả”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI, người đã đồng hành cùng thị trường từ những ngày đầu tiên trăn trở về yếu tố minh bạch: “Tương lai chỉ có một điều cần chú trọng, làm sao để thị trường xoay quanh hai chữ minh bạch. Nói chung chung thì khó, nhưng chú trọng là xác định đối tượng cần bảo vệ. Theo tôi, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân là đối tượng cần được bảo vệ nhất. Điều này không có nghĩa là dắt tay chỉ việc với nhà đầu tư, mà đưa ra những chuẩn công bố thông tin và có cơ chế giám sát, xử lý sát sao”.
Thị trường tồn tại và phát triển được hay không đều phụ thuộc vào nhà đầu tư. Hiện tại, thị trường Việt Nam đang kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhưng yếu tố quan trọng nhất là việc thay đổi tư duy của nhà đầu tư trong nước, để người dân chuyển một phần tiền từ các tài khoản tiết kiệm sang tài khoản chứng khoán.
Đây mới là kênh quan trọng nhất để huy động vốn trên thị trường. Chỉ khi thu hút được dòng vốn này thì thị trường mới có thể thực sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những thành quả, TTCK còn những tồn tại cần khắc phục, đặc biệt là tình trạng thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin của không ít doanh nghiệp niêm yết khiến nhà đầu tư cá nhân là đối tượng chính chịu tổn thương.
Về phía nhà quản lý, ông Trần Văn Dũng khẳng định, UBCK sẽ phát triển TTCK cả về lượng và chất.
“Chứng khoán sẽ không chỉ là kênh đầu tư, mà còn là kênh tiết kiệm cho các nhà đầu tư. Chúng tôi coi sự phát triển nhà đầu tư cá nhân cũng quan trọng như nhà đầu tư tổ chức. Việt Nam có dân số gần trăm triệu người, số lượng tài khoản tiền gửi ngân hàng rất lớn, đây là cơ hội và mục tiêu lớn cho thị trường chứng khoán”, ông nói.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)