Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2020 số lượng, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS đa dạng, phong phú hơn 5 năm trước.
Sáng 27/11 “Hội thảo phát triển thị trường bất động sản (BĐS) nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” Do HoREA đã phối hợp với Ban kinh tế Trung ương tổ chức, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, dù còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng thị trường BĐS chưa thực sự bền vững, trong đó giá nhà tại các đô thị đang ở ngưỡng cao hơn hẳn thu nhập của người dân. Không chỉ tốc độ tăng giá nhanh ở nhà ở thương mại mà BĐS công nghiệp cũng đang đà tăng giá chóng mặt.
Giá BĐS vẫn ở mức cao và giữ xu hướng tăng mạnh, nhất là ở đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội. Hiện nay giá nhà tại các đô thị cao hơn hẳn thu nhập của người dân, nhiều khu vực do có sự biến động về cung – cầu giá nhà đã tăng mạnh, không chỉ BĐS nhà ở tăng mà BĐS công nghiệp thời gian qua giá cũng tăng chóng mặt.
Báo cáo từ Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho thấy từ tháng 8 đến nay, trên cơ sở cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), thị trường BĐS đã từng bước phục hồi và ngày càng khởi sắc. Tính riêng tháng 10-2020, TP HCM có thêm 10 dự án nhà ở được cấp phép triển khai, cung cấp cho thị trường 9.147 sản phẩm nhà ở, bổ sung thêm lượng lớn nguồn cung trong quý IV/2020.
Còn theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng, quý III vừa qua, toàn quốc có 36.884 giao dịch BĐS thành công, trong đó TP HCM có 6.722 giao dịch, tăng 70,6% so với quý trước. Tính chung toàn miền Nam có 12.082 giao dịch, tập trung chủ yếu ở phân khúc bình dân, còn lượng giao dịch BĐS cao cấp giảm so với quý trước. Tổng lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý III bình quân trên cả nước tăng khoảng 10%-25% so với quý trước nhờ các DN đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội.
Thông tin tại hội thảo, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, BĐS đóng góp rất lớn vào GDP và nền kinh tế. Đây là một trong 20 ngành nghề kinh tế cấp 1, đứng thứ 5 về quy mô giá trị. 9 tháng năm 2020, ngành kinh doanh BĐS đóng góp 4,87% GDP. BĐS thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài trong các ngành nghề, chiếm 10% FDI đăng ký mới hàng năm. Lũy kế đến hết tháng 9/2020 vốn FDI đổ vào lĩnh vực BĐS đạt 60 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng FDI đăng ký.
Bên cạnh đó, BĐS là ngành cấp I tương đương các ngành lớn như công nghiệp chế biến – chế tạo và nông nghiệp; tỷ trọng ngành BĐS đóng góp 4,5% GDP, 14,9% tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp; doanh thu của doanh nghiệp BĐS chiếm 2,17% và lợi nhuận chiếm 7,12% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp (2018); ảnh hưởng lan tỏa của ngành BĐS đối với nền kinh tế lớn (1,7 lần đối với giá trị sản xuất, 0,4 lần đối với giá trị tăng thêm và 0,58 lần đối với nhập khẩu) theo nhóm nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vẫn còn những tình trạng dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, dự án “ma”, giao dịch lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.
Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường BĐS còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tâm lý của người mua, vì thế giao dịch BĐS có lúc trầm lắng, không lành mạnh. Ngoài ra, thị trường còn tình trạng đầu cơ diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các địa phương lân cận; Các giao dịch trên thị trường sơ cấp khó kiểm soát gây ra nhiều rủi ro, môi giới BĐS tự do khá phổ biến cũng là nguyên nhân gây nên những khó khăn cho thị trường BĐS.
Dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021–2030, TS. Cấn Văn Lực cho biết, nhu cầu này sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị do các nguyên nhân như tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng, nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở do sự thiếu hụt về chất lượng của nhà ở.
Theo TS. Cấn Văn Lực tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030 đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung ở một vài thành phố lớn, các khu công nghiệp.
“Phía Nam là TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu; phía Bắc tập trung chủ yếu khu vực Hà Nội và một số thành phố vệ tinh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. 2 thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là Hà Nội và TP.HCM sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm”, ông Lực nhận định.
Phát triển kinh tế sẽ đưa thu nhập bình quân dân số thành thị tăng nhanh hơn, đồng thời nhu cầu về chất lượng nhà ở tại các thành phố tăng lên, tuy nhiên tốc độ gia tăng ngân sách chi tiêu dành cho nhà ở không thay đổi nhiều.
Nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021–2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị nhờ tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập người dân làm tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở.