Tính đến hiện nay, dù có tác động của dịch bệnh nhưng thị trường BĐS công nghiệp vẫn ghi nhận những con số tích cực với nhu cầu ngày một tăng. Cùng với những dịch chuyển thương mại, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI), dự báo, trong 10 năm tới, đất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực tế cho thấy, những năm qua đã xảy ra tình trạng khan hiếm đất công nghiệp cho thuê tại các KCN ở các thị trường truyền thống như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…. Điều này dẫn đến giá thuê cao, không tạo lực hút với FDI.
Báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp 6 tháng đầu năm của Savills Việt Nam cho thấy, cuộc đua mở rộng khu công nghiệp đang nóng lên dù đợt dịch lần thứ tư đang diễn biến phức tạp. Trong nửa đầu năm, nguồn cung đất công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ 2020, với hàng chục dự án khu công nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt, hứa hẹn cung cấp hàng nghìn ha diện tích đất cho các nhà đầu tư trong vài năm tới.
Hiện cả nước có 370 khu công nghiệp với tổng diện tích 115.200 ha. Trong đó có 328 khu đang hoạt động ngoài các khu kinh tế, 24 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu. Các dự án này đã tạo ra khoảng 3,6 triệu việc làm cho người lao động.
Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, mặc dù BĐS công nghiệp là mảnh đất “màu mỡ” còn nhiều cơ hội, nhưng từ cuối năm 2021 sẽ đặt ra một số thách thức cho Việt Nam khi dịch bệnh lây lan nhanh, xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát lớn trên cả nước. Theo đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn: cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và chi phí logistics chưa cạnh tranh, một số vấn đề về cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn. Nếu cải thiện được các điểm yếu này, thị trường có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.
Để BĐS công nghiệp phát huy hiệu quả cao nhất, tránh việc phát triển ồ ạt, dư cung dẫn đến tỷ lệ lấp đầy thấp và giá thuê giảm, chuyên gia này cho rằng, phát triển các khu công nghiệp vệ tinh nhằm giảm nhiệt giá thuê tại các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội. Từ đó ổn định giá thuê tại hai thành phố lớn cũng như phát triển được khu công nghiệp vùng ven trung tâm, tạo ra sự thúc đẩy phát triển chung cho toàn vùng. Việc định hướng đa dạng hoá nguồn cung ra các KCN vệ tinh giúp thị trường kéo dài chu kỳ tăng trưởng nhờ đón đầu được nguồn cầu tiềm năng lớn. Cùng với đó, tăng kết nối đồng bộ tại các khu công nghiệp, thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển,… để cùng phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Việc liên kết, đồng bộ các KCN giúp phát triển chuỗi sản xuất hàng hoá, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sự bền vững của cả nền công nghiệp.
Phía Bắc sở hữu vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, khu vực này thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI thuộc ngành điện tử bên cạnh các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Canon với các khu công nghiệp phân bố chủ yếu tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…
Trong khi miền Trung phân bố các ngành công nghiệp “sạch”, công nghiệp kỹ thuật cao tại thành phố Huế, Chân Mây, thành phố Đà Nẵng với khu vực Hội An v.v để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực từ việc bảo vệ di sản. Các ngành công nghiệp nặng được bố trí tại khu vực Quảng Ngãi, nam Quảng Nam, Bình Định tại các vùng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp khai khoáng.
Miền Nam ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp “sạch”, công nghiệp phụ trợ. Quy hoạch thực hiện theo hướng gắn kết giữa phát triển khu đô thị, khu công nghiệp để đảm bảo hình thành vùng công nghiệp chuyên sâu bao gồm vùng công nghiệp vành đai phía Đông, và Tây, vùng công nghiệp theo các trục hành lang quốc lộ, và cao tốc. Các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước… là những cái tên được nhắc đến ở khu vực phía Nam.
Hiện nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam đều trong tình trạng khan hiếm. Trong khi đó, các khu kinh tế, khu công nghiệp có vị trí gần biển luôn có nhu cầu đầu tư rất lớn và duy trì được mức giá và tỉ lệ lấp đầy vượt trội.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)