Năm 2022 được kì vọng sáng sủa với những tín hiệu lạc quan về kinh tế. Nhưng thị trường bất động sản vẫn tồn tại những thách thức, rủi ro…
Với thị trường BĐS được hỗ trợ bởi lực đẩy tốt về đầu tư công, hạ tầng phát triển. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư công 2,87 triệu tỷ đồng và hi vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016-2020. Hệ thống thông tin về thị trường đất đai còn thiếu, dẫn đến việc thị trường xuất hiện rất nhiều dự án ma và tình trạng sốt đất vẫn diễn ra.
Cùng với đó, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tính pháp lý của thị trường này vẫn chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới nếu như giải quyết được các điểm nghẽn này thì sẽ trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và chắc chắn sẽ là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành thừa nhận, thị trường BĐS năm 2022 đối mặt nhiều thách thức. Hệ thống văn bản pháp luật thiếu hoặc chưa đồng bộ. Tập trung ở 3 nhóm: Khả năng thực thi của các văn bản pháp luật ban hành trong cuộc sống; sự đan xen chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của các cơ quan với nhau như kiến trúc, quy hoạch, bất động sản, thuế…; những sản phẩm bất động sản đã hình thành trong thực tế nhưng văn bản pháp luật lại chưa kịp điều tiết, đơn cử như sản phẩm condotel vẫn vướng ở pháp lý.
Thủ tục hành chính vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Không phải ngẫu nhiên từ cuối năm 2019, nguồn cung các dự án ra ngoài thị trường hạn chế, một phần vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng phần lớn nguyên nhân là do vướng mắc trong các chính sách, thủ tục pháp lý phê duyệt dự án. Khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn của các doanh nghiệp. Đặc biệt, là tiếp cận nguồn vốn cho thị trường nhà ở giá rẻ. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều quyết định hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay từ ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại nhưng đến nay nguồn vốn này vẫn khó tiếp cận.
Giá BĐS liên tục tăng cao, một số chuyên gia dự báo nguy cơ đến từ hệ lụy của các đợt sốt đất hình thành bong bóng giá. Đó là sức nóng từ việc tăng giá nhà đất do tác động của các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm từ năm 2021 vẫn tiếp tục lan sang năm 2022, khiến giá tài sản tăng vọt. Điều này khiến sốt đất và bong bóng bất động sản có ranh giới mong manh, thị trường có thể nguy cơ bong bóng. Ngoài ra, các thách thức đối với giới đầu tư và nhà phát triển bất động sản có thể lớn dần khi ngân hàng sẽ siết tín dụng bất động sản, các chính sách liên quan đến thị trường địa ốc, đặc biệt là thuế, sẽ thắt chặt hơn trước.
Đáng chú ý, mặt bằng giá cũng đã tăng mạnh tại một số địa phương có nhiều nhà đầu tư về gom hàng. Mức giá ghi nhận biến động tăng 10-20% so với thời điểm trước Tết. Trong đó, có những mảnh đất nông nghiệp vị trí đẹp giá tăng đột biến từ 30-40%. Ghi nhận cho thấy, dù chưa xuất hiện cảnh nhà nhà, người người đổ xô đi mua đất nền ở một số khu vực như đầu năm 2021, nhưng những động thái hăng hái gom hàng của nhà đầu tư đầu năm 2022 cho thấy, thị trường rất có thể bùng nổ đợt sốt cục bộ vào quý 2/2022. Đáng nói, thị trường xuất hiện các nhà đầu tư cá nhân mua bán lướt sóng trong khoảng thời gian ngắn ở những khu vực lộ diện thông tin hạ tầng tốt.
Nhìn lại thị trường cho thấy, cơn sốt đất âm ỉ từ năm 2020, khi một số địa phương đã xảy ra tình trạng sốt đất cục bộ, thổi thông tin theo quy hoạch. Tuy nhiên, sốt đất thực sự xảy ra từ đầu năm 2021 khi dịch Covid-19 lần thứ 3 ập đến. Không chỉ một vài địa phương mà đồng loạt trên cả nước, giá đất nền, biệt thự/liền kề đều thiết lập mặt bằng giá mới. Người người đi buôn đất, nhà nhà đi buôn đất. Cứ người sau lại mua giá cao hơn người trước. Cho đến cả những vùng quê yên ả ở Thái Bình, Bắc Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Thanh Hoá, Nghệ An… cũng không là ngoại lệ.
Tổng Hợp