Việc một loạt dự án bất động sản “tỉnh giấc” sau nhiều năm nằm bất động vừa là cái kết đẹp cho chủ đầu tư, đơn vị phát triển và những khách hàng đã đặt cọc mua nhà, vừa giúp thay đổi bộ mặt đô thị, bổ sung nguồn cung nhà ở vốn đang rất khan hiếm trên thị trường.
TP.HCM hiện vẫn còn cả trăm dự án dở dang vì nhiều nguyên nhân. Theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, số dự án bất động sản đang chờ “gỡ vướng” trên địa bàn Thành phố khoảng 113 dự án, trong đó vướng mắc lớn nhất là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, nghĩa vụ tài chính bổ sung, chưa hoàn thành thủ tục giao đất… khiến các dự án ngưng trệ kéo dài, thậm chí có những dự án nằm chờ tới hơn chục năm.
Đơn cử, dự án Khu nhà ở phường Tân Phú, quận 7 được Công ty TNHH Dynamic Innovation mua lại từ Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt theo Quyết định chuyển nhượng một phần dự án số 498/QĐ-UBND ngày 2/2/2019 của UBND TP.HCM, đã có ý kiến chấp thuận đầu tư của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và doanh nghiệp đã có văn bản gửi Sở Xây dựng đề nghị xem xét báo cáo UBND TP.HCM cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại dự án.
Tuy nhiên, đến nay, Thành phố vẫn chưa có thông tin về khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng để làm căn cứ chỉ đạo Sở Xây dựng xác định cụ thể danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở.
Công ty Dynamic Innovation kiến nghị UBND TP.HCM nhanh chóng xem xét và chấp thuận Sở Xây dựng có công văn xin ý kiến Công an Thành phố để xác định dự án có hay không được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn Thành phố.
Hay như Khu nhà ở – Trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam của Công ty cổ phần Dệt Đông Nam, dự án được UBND TP.HCM công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 4568/QĐ-UBND ngày 1/9/2016, nhưng đến nay vẫn ách tắc bởi Sở Tài nguyên – Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể để Công ty thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, sau nhiều cuộc họp với UBND Thành phố cùng các sở, ban ngành liên quan, các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng cũng chưa được tháo gỡ.
Tương tự với dự án Khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng của Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Hồng, dù được phê duyệt từ năm 2009 theo Quyết định 33/QĐ-SXD-PTN và điều chỉnh dự án theo Quyết định 807/QĐ-SXD-TĐDA ngày 20/6/2016, đồng thời đã đáp ứng các điều kiện được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thị trường TP.HCM còn ghi nhận một loạt dự án khác được tái khởi động, chẳng hạn dự án Khu căn hộ Thái Bình Plaza tại địa chỉ số 800 đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức, TP.HCM) nằm trên khu đất 14.000 m2, do Công ty TNHH Đá xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, song việc bán hàng không khả quan, nên chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng dự án thành Bệnh viện đa khoa Phúc An Khang với quy mô 500 giường.
Thế nhưng, hoạt động được khoảng 2 năm thì bệnh viện tuyên bố đóng cửa, sau đó chuyển đổi công năng trở lại thành dự án nhà ở thương mại và đổi tên thành Khu căn hộ Swiss – Belresidences Upper East Saigon, do Công ty cổ phần Tập đoàn Hasco (Hasco Group, có trụ sở đặt tại số 29 đường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) làm đơn vị phát triển với định vị phân khúc hạng sang.
Tương tự là dự án Saigon One Tower nằm ở góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) do Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư. Sau gần 10 năm bất động và từng bị lãnh đạo TP.HCM “bêu tên” là một trong những công trình làm xấu diện mạo đô thị, nay cũng thi công trở lại với tên gọi mới IFC One Saigon do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land phát triển.
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh từ hướng cầu Phú Mỹ đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, gần đến cầu Cần Giuộc (thuộc địa phận quận 8, TP.HCM), người đi đường không khỏi bất ngờ khi thấy dự án Dream Home Riverside bắt đầu được thi công trở lại sau 5 năm nằm bất động.
Từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Nhà Mơ (đơn vị phát triển dự án) đã giới thiệu Dream Home Riverside ra thị trường và cho nhận đặt chỗ. Trong năm 2018, Công ty Nhà Mơ tổ chức nhiều đợt mở bán rầm rộ, thu hút hàng trăm khách hàng đến đặt cọc giữ chỗ. Thậm chí, trong lễ mở bán cuối năm, đại diện đơn vị bán hàng công bố đã bán được 90% sản phẩm dự án cho khách hàng.
Thế nhưng sau đó dự án vẫn chưa được xây dựng khiến nhiều khách hàng đặt cọc mua nhà tỏ ra lo lắng. Lúc đó, đại diện truyền thông Công ty Nhà Mơ lý giải rằng, nguyên nhân chậm trễ thi công dự án là do đang chờ cơ quan chức năng cấp phép hồ sơ điều chỉnh.
Tổng Hợp