Những tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản đã và đang xuất hiện, niềm tin của các nhà đầu tư cũng đang được củng cố.
Tuy nhiên, khả năng phục hồi của ngành này đến nay vẫn là một ẩn số. Điều quan trọng hiện nay là độ trễ và mức độ ảnh hưởng của chính sách. Nếu chính sách càng thâm nhập nhanh và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường, đặc biệt là gói 120.000 tỷ đồng thì đà phục hồi của thị trường kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh hơn, thậm chí là nhanh hơn giai đoạn trước.
Yếu tố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đảo chiều của thị trường bất động sản đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân hiện nay vẫn khá chậm. Nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cộng với việc thu hút nguồn vốn FDI duy trì tốt so với các năm, kết hợp với các chính sách nói trên thì thời thị trường địa ốc lấy lại đà tăng trưởng sẽ diễn ra sớm hơn.
Lãi suất huy động đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm sau quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nghị quyết 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, phục hồi niềm tin cho thị trường này. Nghị quyết 33 được xem là cơ hội để khơi thông yếu tố pháp lý, điểm nghẽn vốn cho bất động sản.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, không ngay lập tức giống như chính sách tiền tệ, chính sách về bất động sản luôn luôn có độ trễ. Một chính sách hôm nay ra có thể phải 6 tháng sau mới có hiệu lực và sau đó tiếp tục cần thời gian để lan tỏa.
“Theo tôi, thị trường bất động sản phải có lên có xuống giống như đồ thị hình Sin. Nhiều dự báo thị trường sẽ tốt lên vào quý III hoặc quý IV nhưng tốt lên ở góc độ nào, mảng nào? Nhưng ở góc độ làm chính sách, Chính phủ và các bộ ngành phải làm cho thị trường phát triển và chắc chắn trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ khác. Cụ thể là vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ có những yếu tố tích cực liên quan đến dòng vốn giải ngân đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý”, vị này nhận định.
Ngoài ra, việc chính thức thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển NOXH, nhà ở công nhân với lãi suất ưu đãi cũng góp phần giải tỏa cơn khát nhà ở, đưa thị trường bất động sản phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững và phục vụ nhu cầu thực.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây cũng cho biết, ba điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và pháp lý đang đã được Chính phủ nhìn nhận và đang vào cuộc một cách quyết liệt. Niềm tin của các nhà đầu tư đang được củng cố khi Chính phủ liên tiếp ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Tới đây sẽ có nhiều hơn những văn bản ra đời và theo đó, sẽ có nhiều dự án trong hàng nghìn dự án đang nằm đắp chiếu chờ đợi chính sách sẽ được cởi trói, cung cấp nguồn cung mới cho thị trường. Như vậy, thị trường có thể sẽ tốt lên trong quý II/2023 khi nguồn cung tăng, dòng tiền trở lại, doanh nghiệp có nguồn vốn qua phát hành trái phiếu,…”, vị này nhận định.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 24.708 tỷ đồng. Riêng khối lượng phát hành kể từ ngày 6/3 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% tổng khối lượng.
Trong đó, 98,2% khối lượng phát hành (tương đương hơn 24.000 tỷ đồng) thuộc lĩnh vực bất động sản. Về cơ cấu, 99,99% khách hàng là nhà đầu tư tổ chức, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Trong đó, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%.
Ước tính vốn tín dụng vào bất động sản đến hết quý I/2023 tăng trưởng khoảng 3% so với cuối năm 2022, tương đương quy mô dư nợ tín dụng bất động sản tăng thêm khoảng hơn 77.000 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính 3 tháng đầu năm 2023, dòng vốn chảy từ kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu vào bất động sản khoảng trên 100.000 tỷ đồng.
Với dòng vốn ngoại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tính đến ngày 20/3, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng Hợp
(Doanh Nghiệp và Kinh Doanh)