Dự báo thị trường bất động sản quý cuối năm, Hội Môi giới bất động sản nhận định, nguồn cung trên thị trường vẫn không có nhiều cải thiện, một lượng lớn các dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và chưa thể gia nhập thị trường. Dự báo giới đầu tư F0 gia nhập sẽ khiến lực cầu thị trường địa ốc quý cuối năm tăng mạnh.
Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Về giá bất động sản, Hội Môi giới cho rằng quý IV sẽ được điều chỉnh tương đương cùng kỳ năm 2020. Những dự án không điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu quý II năm nay chắc chắn sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp. “Thị trường vẫn chịu áp lực tăng giá bất động sản vì nguồn cung thấp, giá đất tăng (giải phóng mặt bằng) thuế đất tăng, nguyên vật liệu và thiết bị tăng, nhân công tăng,…”, đơn vị này dự báo.
Tỷ lệ hấp thụ trên toàn thị trường trong quý cuối năm dự báo đạt trên 40%. Thị trường bất động sản một số địa phương có khả năng sôi động sớm gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Bình Thuận, Long An, Phú Quốc. Cũng theo nhận định của VARs, các doanh nghiệp địa ốc và các nhà thầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID- 19 có thể phục hồi khoảng 50% trong những tháng cuối năm. Hoạt động M&A cũng sẽ không diễn ra nhiều và chủ yếu nằm ở các dự án nhỏ. “Lượng khách hàng có nhu cầu mua nhà, phục hồi và phát sinh nhu cầu mua nhà sẽ không cao trong quý IV. Thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều F0 làm gia tăng lực cầu đầu tư (ước tăng khoảng 50%) so với cùng kỳ các năm 2018 và 2019”, Hội môi giới dự báo.
Đánh giá chung về thị trường bất động sản quý III năm nay, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, hầu hết các dự án trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và việc đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì các địa phương cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện .
Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận,… trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Trong khi đó, toàn bộ nguồn cung trên thị trường bất động sản đa phần hàng tồn từ các quý trước. Lượng cung cũng như dự án mới rất hạn chế và không có dấu hiệu cải thiện. Số lượng nguồn cung trên toàn thị trường đạt ngưỡng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực đến từ lực cầu. Đặc biệt là phân khúc đất nền bởi đây luôn được coi là nơi lưu giữ tài sản an toàn và tiềm năng tăng giá cao.
Theo quan sát của giới chuyên gia, nguồn cung và sức cầu của các phân khúc đất nền, nhà phố, căn hộ tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đều tiếp tục giảm mạnh trong quý III do chịu ảnh hưởng chung từ dịch COVID-19.
Đối với phân khúc căn hộ, có 13 dự án mới được mở bán với hơn 3.500 căn, bằng 88% so với cùng kỳ. Rổ hàng tập trung ở hai địa phương gồm TP HCM (64%) và Bình Dương (25%), phần còn lại phân bổ tại Đồng Nai và Long An. Riêng ở Long An ra mắt căn hộ có phân khúc giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Phần lớn căn hộ tại các địa phương nói trên tập trung ở hai phân khúc chính là hạng A (1.809 căn) và hạng B (1.358 căn), số ít còn lại ở phân khúc hạng C. Trong quý vừa qua thị trường không ghi nhận căn hộ hạng sang được mở bán.
Về sức tiêu thụ, có hơn 2.700 căn hộ giao dịch thành công, bằng 84% so với quý III năm ngoái. Trong giai đoạn giãn cách, nhiều chủ đầu tư, sàn môi giới đã áp dụng hình thức mở bán, giao dịch online. Nếu so với quý II, mức giảm nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở phân khúc này không quá lớn. Còn ở phân khúc nhà phố biệt thự, có 5 dự án với gần 470 căn được mở bán trong quý vừa qua, bằng 13% so với cùng kỳ. Khoảng 90% nguồn cung tập trung ở Đồng Nai, còn lại ở Bình Dương và TP HCM. Trong đó, có khoảng 237 sản phẩm được giao dịch thành công, bằng 17% cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà đầu tư tham gia vào những dòng sản phẩm này gần như đều có hệ quả không tốt. Nhà đầu tư mua giá cao ở giai đoạn trước mà không kịp bán thì phải ôm lại, giờ có bán cũng phải bán với mức giá đã giảm đi.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)