Những dấu hiệu tích cực về hoạt động đầu tư công trong năm 2020, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng có khả năng kích cầu bất động sản.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một số dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường, mà minh chứng dễ nhận thấy nhất chính là tỷ lệ hấp thụ đã được cải thiện qua các quý. Cụ thể, quý I/2020, khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, cả thị trường “đóng băng”, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14% thì sang quý II đã đạt 37% và lên tới 50% trong quý III. Dự báo sang quý IV, chỉ số này còn cao hơn. Thị trường trở lại quy luật của mọi năm, càng về cuối năm giao dịch ghi nhận càng tốt hơn.
Theo VNDirect, tại TP HCM, việc mở rộng đường cao tốc đến khu vực phía Tây và ven biển với các dự án hạ tầng đang triển khai như Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Phan Thiết đã khiến giá đất tại một số khu vực như Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Phan Thiết, Bình Thuận và Đồng Nai tăng mạnh 50 – 100% trong vòng một năm.
Do đó, các chủ đầu tư sở hữu quỹ đất lớn tại các khu vực này sẽ được hưởng lợi từ giá đất tăng. Một số dự án có thể sẽ ra mắt năm 2021 bao gồm: Gem Sky World tại Đồng Nai (khoảng 4.000 căn), NovaWorld Phan Thiết; Aqua City và Waterfront tại Đồng Nai và Southgate giai đoạn 2 tại Long An.
Các thương vụ M&A, đặc biệt là việc chuyển nhượng các dự án thành phần trong các dự án có qui mô lớn được xem là giải pháp nhanh nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào thị trường Việt Nam và các nhà đầu tư trong nước mở rộng quĩ đất.
Tương tự như TP HCM, các dự án lớn ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng được kì vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường. Theo các chuyên gia, nguồn cung khan hiếm tại TP HCM và yếu tố hạ tầng phát triển đã thúc đẩy thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh phát triển trong thời gian gần đây.
Trong đó, Bình Dương đang nổi lên như một điểm sáng thu hút vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Tính đến tháng 9/2020, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (sau TP HCM và Hà Nội) với 3.855 dự án, thu hút tổng vốn đăng kí đạt 34,9 tỉ USD từ 65 quốc gia.
Xu hướng “di cư” đến các tỉnh lân cận TP HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục diễn ra, chủ yếu do giá bán tại các khu vực này vẫn ở mức thấp hơn, tương đương giá bán tại các khu vực trung tâm khoảng 4 – 5 năm trước đây.
Do đó, khu vực này hứa hẹn sẽ có tiềm năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư do các chủ đầu tư mua đất ở đây có chi phí thấp hơn các khu trung tâm.
Song song với đó, các ngân hàng còn tung ra nhiều gói kích thích như miễn/giảm lãi và giảm lãi suất cho vay. Các chính sách trên đã giúp đảo ngược nhu cầu vốn thấp của người mua nhà do ảnh hưởng của đại dịch, cũng như giúp các doanh nghiệp giải quyết việc thiếu nguồn cung nhà ở.
Ngoài các chính sách của ngành Ngân hàng, VNDIRECT cho biết thêm, việc sửa đổi Luật Xây dựng năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 sẽ giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ năm 2021.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2020 sẽ được thông qua vào năm 2021 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, từ đó dẫn tới nguồn cung căn hộ mới phục hồi về mức năm 2017 – 2018 trong các năm tới. VNDIRECT cho rằng xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà.
Thị trường BĐS tại các quận nội thành TP.HCM trong 2 năm trở lại đây không còn giữ được sức hút trong mắt khách hàng. Các sản phẩm có giá thành vừa túi tiền hiện đã không còn khi mặt bằng giá BĐS tại TP.HCM không ngừng tăng cao.
Từ đó nhiều đối tượng thu nhập ở mức trung bình với nhu cầu ở thật lại không có đủ khả năng để sở hữu nơi an cư cho riêng mình. Bên cạnh đó, quỹ đất cạn kiệt do liên tục bị khai thác đã dẫn đến việc thắt chặt phê duyệt, cấp phép xây dựng cho các dự án nhà ở nội đô thành phố.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay khiến thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái ảm đạm. Đại dịch đã tác động lên tất cả các phân khúc của thị trường.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, năm 2021 vẫn là năm của sự chủ động và linh hoạt thích ứng với thị trờng BĐS. Bản thân doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư, hướng đến phân khúc có tiềm năng lớn hơn.