Tuy tiếp tục phải hứng chịu tác động của Covid-19, doanh số trên nhiều thị trường bất động sản các quốc gia đã và đang tăng lên.
Những thị trường lớn như Luân Đôn (Anh) đang trên đà hồi phục.
Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Knight Frank cho biết, dù nhiều nước vẫn tiếp tục phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản quốc tế nói chung đang trên đà hồi phục về mặt doanh số. Có hai lý do chung dẫn đến sự hồi phục này:
Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng trở lại. Tại Châu Âu và Châu Á, nhiều quốc gia mới đây đã tăng mức dự báo tăng GDP trong năm lên do nền kinh tế của họ khởi sắc sau đại dịch nhanh hơn sự kiến.
Thứ hai, chính phủ các quốc gia đã có biện pháp thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, đơn cử như tại Anh, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak ra quyết định miễn thuế mua nhà cho mọi nhà riêng, căn hộ có giá dưới £500.000.
Hiện thì mặt bằng giá trên thị trường bất động sản Anh đã xuống đến mức đáy và xu thế tiếp sau chỉ có thể là đi lên. Trong tháng sáu vừa qua, tốc độ giảm giá nhà ở mức 3,6%, thấp hơn hẳn mức 4,4% hồi tháng 5. Đây là thời điểm “vàng” để khách hàng ra quyết định mua nhà.
Một điểm sáng khác ở Châu Âu là Tây Ban Nha. Theo Knight Frank thì thị trường cho thuê ở quốc gia này sắp khởi sắc, do các ngân hàng tiến đến nới lỏng các quy định cho vay đối với đối tượng tham gia đầu tư bất động sản. Có thể du lịch Tây Ban Nha đến cuối năm nay mới phục hồi được, nhưng ngay lúc này đây các nhà thầu, nhà đầu tư đang rục rịch chuẩn bị đến đón đầu cơ hội đó.
Hoạt động trên nhiều thị trường bất động sản Châu Á – Thái Bình Dương nhảy vọt ở tháng 7, trong đó dẫn đầu xu hướng này là Trung Quốc và Hồng Kông. Ở chiều ngược lại, doanh số bán nhà ở Melbourne (Australia) và Jakarta (Indonesia) lại giảm vì dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt. Riêng Singapore thì tuy chịu ảnh hưởng của nền kinh tế ì ạch và quan hệ thương mại Mỹ – Trung nhưng mặt bằng giá gần như không thay đổi kể từ cuối năm ngoái.
Khách hàng nước ngoài sẽ là động lực chính cho các thị trường bất động sản Châu Á – Thái Bình Dương trong nửa cuối năm 2020. Các nhà đầu tư quốc tế đang nóng lòng muốn tận dụng cơ hội đến từ lãi suất cho vay giảm, tỷ giá biến động và chính sách hỗ trợ của các chính phủ. Những thị trường ổn định và đa dạng như Singapore và Australia sẽ là điểm đến được nhiều khách hàng, nhà đầu tư Châu Á tìm đến nhiều nhất.
Tại Australia, vì Covid-19 mà chính sách đầu tư quốc tế vào thị trường bất động sản nước này có một thay đổi lớn. Hiện nay khách hàng nước ngoài có thể chờ đến 6 tháng thay vì chỉ có 30 ngày để hoàn thành hồ sơ mua nhà kể từ thời điểm giao dịch. Đây là một biện pháp để ổn định giá trên thị trường và nó đã có tác dụng tức thì: Mức giá nhà ở Sydney đã tăng 13,3% tháng, còn ở Melbourne tăng 10,2%.
Tại Mỹ, cả số lượng lẫn giá trị các khoản vay trả góp mua nhà đều tăng mạnh trong tháng 7 này. Tuy vậy, ít có khả năng là doanh số bán nhà sẽ tăng lên tương đương, vì thị trường Mỹ vẫn đang thiếu nguồn cung nhà mới khá trầm trọng.
Cùng với đó, thông tin học sinh nước ngoài sẽ không được ở lại Mỹ đang gây tâm lý vô cùng lo lắng cho các doanh nghiệp bất động sản trước khả năng mất đi một nhóm khách hàng quan trọng. Theo thông tin phân tích của Tập đoàn Quốc tế Eurasia thì số lượng sinh viên bị ảnh hưởng bởi chính sách này có thể lên tới một triệu người.
Canada hiện nay đang ở bước ba của kế hoạch mở cửa trở lại. Trong tháng 6 vừa qua, doanh số bán nhà ở khu vực Vancouver đã tăng lên 2.497 căn, cao hơn rõ rệt so với các tháng trước đó. Nếu xu hướng này tiếp tục thì nhiều khả năng doanh thu trên thị trường bất động sản Canada trong năm nay sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2019.
Theo báo cáo của Knight Frank thì thị trường bất động sản các nước Trung Đông không chịu ảnh hưởng quá nhiều của đại dịch Covid-19. Đơn cử như ở Dubai, doanh số bán nhà không có nhiều thay đổi trong các tháng 3, 4 và 5, chỉ giảm trong mức 4 – 5%. Nhiều khả năng chỉ số này sẽ nhanh chóng hồi phục khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại. Tuy vậy, khả năng thụ lời của thị trường Trung Đông vẫn còn ở mức thấp do chưa giải quyết được vấn đề lớn là nhu cầu không đuổi kịp nguồn cung.
Lê Công Vũ