Công tác phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở xã hội theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị.
Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và bất động sản; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hàng hóa bất động sản, đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, công trình sản xuất, kinh doanh, hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại đô thị.
Phát triển đa dạng các loại hình bất động sản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm cân đối cung – cầu của từng phân khúc, từng địa phương và trong từng giai đoạn. Phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với cải tạo chỉnh trang các đô thị lớn thành các thành phố thông minh, hiện đại gắn kết với việc phát triển các đô thị vệ tinh để lan toả sự phát triển và phân bố lại cung – cầu bất động sản.
Riêng Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp hiện nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án, quy mô xây dựng khoảng 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5.210.000m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 10.950.000m2 sàn (mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020)…
Đề cập đến vấn đề thị trường bất động sản và sự lệch pha cung – cầu trong phát triển nhà ở, tại Hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 – 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021 – 2025 và năm 2021 của ngành Xây dựng vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, công tác phát triển nhà chưa đạt mục tiêu đề ra, tình trạng khan hiếm nhà ở, phân khúc thị trường nhà ở cho công nhân cần được quan tâm vì nhu cầu rất lớn…
Nhà phân khúc giá thấp gần như không còn
Các chuyên gia cũng chỉ ra từ năm 2019 đến nay, loại hình nhà giá rẻ đã biến mất khỏi thị trường, trong khi phân khúc cao cấp, hạng sang chiếm hơn 30% tổng sản phẩm chào bán.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số liên hợp quốc công bố tuần qua, hiện cả nước có 39,4 triệu người sống ở các khu vực đô thị, chiếm 40,9% dân số và cứ 1.000 người dân sống ở các đô thị thì có 200 người là người nhập cư. Thống kê cũng chỉ ra rằng, gần một nửa số người di cư phải đi thuê, mượn nhà để ở.
Thực tế, không chỉ người di cư, mà bất cứ ai khác đều mong muốn có được một ngôi nhà của riêng mình để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân sụt giảm, còn giá nhà thì mỗi ngày một tăng, khiến giấc mơ an cư dường như trở nên xa vời.
Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã càn quét làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trầm trọng như hàng không, dịch vụ, du lịch… khiến nhiều người lao động mất việc làm, thu nhập giảm mạnh, trong khi vẫn chi trả các khoản cố định như ăn uống hàng ngày, tiền điện, nước, học phí cho con cái… Thậm chí, nhiều hộ gia đình phải tiêu vào số tiền tích lũy từ những năm trước đó vì không có việc làm.
Nhưng chờ để giá nhà giảm là điều rất khó. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Hà Nội chia sẻ, để thực hiện một dự án, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục pháp lý, thường là từ 3-5 năm, thậm chí có dự án mất đến gần 10 năm. Hơn nữa, nhiều chủ đầu tư cũng không mặn mà với kinh doanh căn hộ bình dân bởi biên lợi nhuận thấp, thủ tục kéo dài, quỹ đất ngày càng thu hẹp…, vì thế mà nguồn cung cho phân khúc này luôn trong tình trạng khan hiếm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa hợp lý, có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Câu chuyện mất cân đối cung – cầu đã được thể hiện rõ khi thị trường bất động sản không có mấy các dự án bình dân mở bán, có chăng cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ vài dự án tại một số đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20 – 30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm và đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu m2 sàn. Đối lập, dự án nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ dưới 25 triệu đồng/m2 lại thiếu trầm trọng.