Các dự án đang bị vướng mắc, bị “treo” do vấn đề thủ tục pháp lý nếu được tháo gỡ cũng sẽ góp phần tăng cung một lượng hàng đáng kể, giúp thị trường bất động sản giảm bớt áp lực kéo dài suốt thời gian qua.
Nhận định về triển vọng của thị trường bất động sản và xây dựng thời gian tới, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, kinh tế phục hồi nhanh nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hội, phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023.
Cùng đó, Chiến lược phát triển nhà ở 2021-2023 cũng đang dần hoàn thiện. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là 1 trong 3 đột phá chiến lược với việc đầu tư công được thúc đẩy mạnh. Đây là những yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường giai đoạn tới. Bên cạnh đó, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, gói kích cầu trong sản xuất kinh doanh nói chung, từ vài chục ngàn tỷ đồng đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Dù chưa có gói hỗ trợ trực tiếp cho thị trường bất động sản, nhưng những chính sách mới ban hành vẫn tác động gián tiếp từ các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác khi người lao động được hưởng lợi.
Ở một phân khúc khác của thị trường, các chuyên gia cho rằng, nếu hoạt động du lịch quốc tế (hộ chiếu vắc xin) được sớm mở cửa trở lại sẽ giúp ngành du lịch hồi phục cũng có tác động ít nhiều đến hoạt động kinh doanh của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng dù khó sôi động được như năm 2019 trở về trước. Với việc hưởng lợi từ xuất nhập khẩu tăng và dòng vốn FDI tích cực, bất động sản công nghiệp, logistics được đánh giá sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2022. Cùng đó, bất động sản nhà ở tại các khu vực, địa phương lân cận cũng sẽ được hưởng lợi theo.
Nhà nước vẫn cần quan tâm hơn nữa đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động. Nhu cầu thực tế về phân khúc này rất cao và cũng sẽ là một trong các yếu tố cơ bản tác động cho thị trường bất động sản nói chung. Hiện, nhiều người dân đang trông đợi vào gói hỗ trợ người mua nhà, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động… Dưới góc độ hành lang pháp lý, Luật Đất đai được dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi trong năm 20220. Cùng đó, các luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở cũng phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác được ban hành cũng được kỳ vọng sẽ trở thành lực đẩy tích cực cho thị trường bất động sản trong năm 2022 này.
Đáng chú ý, chủ trương của Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các gói giải ngân dự án hạ tầng giao thông cho mục đích phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19 được chú ý. Bởi trên thực tế, hạ tầng giao thông luôn là yếu tố trực tiếp tác động đến thị trường bất động sản.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra một số giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản. Trong đó, đơn vị này nhấn mạnh đến việc tháo gỡ pháp lý cho thị trường BĐS. Theo Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.
Nghiên cứu, đề xuất bố trí gói tín dụng để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát các vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Theo các chuyên gia trong ngành, hiện thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn rất phức tạp. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa để chúng ta cải thiện. Thực tế, từ tháng 5/2020, khi có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025 nhưng trong 1,5 năm qua vẫn chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí. Tại Tp.HCM hiện có hơn 100 dự án bị ách tắc vì vướng đất xen cài là ví dụ điển hình.
Từng chia sẻ rất nhiều lần về câu chuyện pháp lý cho thị trường BĐS, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS có khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ tiền chỉ xin cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn là có thể bật dậy mạnh mẽ, nhưng việc này làm quá chậm. Dù cuối năm 2020 vướng mắc đất công xen cài chính thức được các cơ quan chức năng bắt tay tháo gỡ, nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm, đến nay mới chỉ có 10 tỉnh ban hành quyết định. Có những quy trình về đầu tư xây dựng UBND Tp.HCM đã chỉ đạo sở ngành tháo gỡ nhưng nay vẫn chưa làm, hồ sơ dự án vẫn tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng bất hợp lý”.
Tổng Hợp