Dịch bệnh Covid-19 quay trở lại tác động đến tất cả các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản. Đứng trước “sóng gió”, bất động sản khu vực nào sẽ có khả năng là chỗ trú an toàn cho dòng tiền?
Chưa kịp bán được hàng sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, anh Đức Kiên trú tại Đống Đa (Hà Nội) và mốt số nhà đầu tư khác lại tiếp tục mắc kẹt vì làn sóng Covid-19 thứ hai. Cứ ngỡ dịch bệnh sẽ khó quay trở lại khi cả nước gần 100 ngày không có ca mắc, anh Kiên rất vui mừng vì vừa bán sang tay được 1 căn hộ chung cư ở Cầu Giấy mắc kẹt sau bao ngày. Tuy nhiên, anh còn một vài căn chung cư và dăm ba mảnh đất nền tại dự án ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên vẫn nằm im bất động.
Như ngồi trên đống lửa, khi lãi suất ngân hàng anh vay thời điểm đầu tư khá cao, nay không thoát được hàng, nếu bán được cũng cầm chắc lỗ trong tay, nhưng nếu không thoát được thì có lẽ anh mất cả 1 – 2 căn hộ.
Tương tự, chị Trần Ánh, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ, chị còn 2 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Bình Thuận và Phú Yên bị mắc kẹt từ làn sóng đại dịch lần thứ nhất. Sau khi hết làn sóng thứ nhất, chị cũng nhanh chóng nhờ các sàn giao dịch tại khu vực đó đẩy hàng, nhưng không thể đẩy được, vì nhiều nhà đầu tư khác cũng lo ngại không dám xuống tiền khi dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát, khách nước ngoài chưa có, khách trong nước vẫn còn dè chừng…
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Bất động sản Phúc Tài (Bắc Ninh) cho hay, mặc dù đất ở Bắc Ninh vẫn có tiềm năng rất lớn, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều đối tác nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc chưa thể sang Việt Nam được nên nhiều làng nghề ở Bắc Ninh đang trong cảnh đìu hiu, đất nền dự án vẫn có giao dịch lác đác nhưng không sôi động. Một số chủ hàng vay tiền làm ăn thua lỗ cũng muốn bán đất đi để trả nợ nhưng vẫn khó thoát hàng.
Đứng trước “sóng gió”, bất động sản khu vực nào sẽ có khả năng là chỗ trú an toàn cho dòng tiền?
Tình cảnh này cũng diễn ra tại Bình Thuận, Ninh Thuận hay Nha Trang (Khánh Hoà), khi làn sóng Covid-19 lần thứ hai ập đến, nhiều sàn giao dịch ở đây vắng lặng, đìu hiu. Bởi trước đó, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong làn sóng dịch lần thứ nhất đã có tới 80% sàn giao dịch tạm ngừng hoạt động, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ ra hàng và giao dịch của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng.
Song, không phải vì dịch Covid-19 bùng lại mà thị trường bất động sản cả nước “đóng băng”. Quan sát trên thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư vẫn âm thầm tìm kiếm bất động sản ở các khu vực ăn theo các công trình hạ tầng giao thông lớn, mật độ thấp, các dự án có pháp lý rõ ràng. Đặc biệt, giới nhà giàu hiện đang chọn những nơi có không khí trong lành, cảnh quan đẹp gần Thủ đô mà có sông hồ, đồi núi… và đặc biệt là cách trung tâm dưới 1,5 tiếng lái xe ô tô.
Đó là những vùng lân cận vệ tinh Hà Nội như Hòa Bình, Ba Vì, Sóc Sơn, Tam Đảo để tìm kiếm những sản phẩm bất động sản sinh thái vừa để nghỉ dưỡng lại vừa có thể là tài sản tích trữ cho tương lai hoặc có thể khai thác kinh doanh cho thuê nhờ xu hướng du lịch nội địa đang có sự thay đổi từ đi xa sang đi gần và ngắn ngày.
Giới chuyên gia cũng nhìn nhận, làn sóng đầu tư tại các thị trường tỉnh sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới do quỹ đất, giá thành và nguồn hàng đa dạng hơn. Đặc biệt, trong thực trạng giá nhà đất tại các thành phố trung tâm ngày càng tăng cao, đầu tư bất động sản ngoại thành là lựa chọn khôn ngoan cho nhà đầu tư trong thời buổi lướt sóng khó khăn và mọi sức mua đều hướng về nhu cầu thực, dài hạn. Quan trọng nhất là nhà đầu tư không nên nuôi kỳ vọng sinh lời cao trong ngắn hạn mà phải chấp nhận những kênh đầu tư lời lãi ít để đảm bảo an toàn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nhà đầu tư bất động sản trong giai đoạn hiện nay cần lưu ý sản phẩm có tính an toàn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản cao. Không nên đầu tư theo kiểu “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, phải tính toán phân bổ trong đầu tư. Không nên sử dụng hết 100% tài chính đó để mua bất động sản một lúc. Luôn biết cách phân chia dòng tiền để không bị rủi ro lúc thị trường biến động. Càng về cuối năm, cơ hội để mua bất động sản với giá hợp lý càng tốt hơn, nhà đầu tư có thể tỉnh táo lựa chọn thời điểm và sản phẩm xuống tiền.
Cũng theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, dù là xu hướng tất yếu nhưng mua bất động sản vùng ven cũng có nhiều vấn đề cần cân nhắc. Tỷ suất sinh lời của các dự án tỉnh chịu tác động từ nhiều yếu tố như uy tín chủ đầu tư, tiện ích, hạ tầng, chất lượng sản phẩm, vị trí dự án, cảnh quan.
Ông Kiệt cho rằng: “Khi đầu tư thị trường tỉnh, lợi nhuận thường đi kèm rủi ro. Thị trường tỉnh đang tập trung phát triển dòng sản phẩm khu đô thị quy mô. Các khu đô thị mới thường không phục vụ nhu cầu ở ngay, nên chưa thể mua đi bán lại nhanh mà buộc phải chờ đợi thêm. Nhà đầu tư nên xác định kỳ vọng tăng giá có khả thi hay không, hiệu suất sinh lời là bao nhiêu và thanh khoản ra sao, thời gian chờ là bao lâu. Nên tìm hiểu kỹ khu vực đầu tư trước khi chọn mặt gửi vàng, đừng đi theo xu hướng đám đông”.
An Yên