Hiện nay, thị trường bất động sản gặp 4 vướng mắc chính dẫn tới những khó khăn, bất cập trong suốt thời gian qua, trong đó nhiều chuyên gia nhận định vướng mắc pháp lý là rào cản, khó khăn lớn nhất hiện tại.
Giới chuyên gia cho rằng vướng mắc pháp lý là nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản nhiều năm nay, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì thị trường sẽ khó có thể hồi phục, lấy lại vị thế vốn có.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam, thị trường bất động sản đối diện 4 thách thức thị trường tới từ vĩ mô – chính trị; chính sách pháp lý; thị trường vốn; khó khăn thị trường bất động sản.
“Đối với chính sách pháp lý liên quan tới vướng mắc trong thủ tục cấp phép dự án; riêng tại TP.HCM có 116 dự án chưa được tháo gỡ; chưa nhất quán giữa các quy định điều chỉnh của các luật; động thái tăng cường thanh tra, kiểm tra… ảnh hưởng tới tâm lý thị trường”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Vương Duy Dũng, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết khó khăn vướng mắc của thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản đặt ra rất nhiều nhiệm vụ cho Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cũng nhiệm vụ của các doanh nghiệp.
“Chúng ta đã thấy nhiều giải pháp được triển khai đã có kết quả cụ thể và tác động tích cực với thị trường. Tại thời điểm này Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi 3 chính sách rất quan trọng: Luật Đất đai, Luật nhả ở và Luật Kinh doanh bất động sản”, ông Dũng cho biết.
Những nội dung như chính sách về chuyển nhượng dự án bất động sản và nhiều nội dung khác đã được sửa đổi, bổ sung thì Quốc hội cơ bản rất đồng tình và cho thêm một số ý kiến để Chính phủ sửa đổi và nghiên cứu, trình Quốc hội trong cuộc họp tháng 5 tới.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và bất động sản hết sức phức tạp, liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư…; trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ….
“Quy định pháp lý nhiều khi chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Ví dụ, pháp luật chưa có quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và chuyển nhượng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, dẫn đến ách tắc, tồn đọng nhiều dự án… Ngoài ra, quy định xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án còn chưa được nhất quán thực hiện tại các địa phương… Bên cạnh đó, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy… của một bộ phận không nhỏ cán bộ thừa hành, làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án”, ông Lực nhận định.
Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết thời điểm thị trường bất động sản năm 2011-2013 xảy ra khủng hoảng thừa, hàng hoá nhiều nhưng không hấp thụ được vào thị trường. Thời điểm này ngược lại, quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường… Tất cả các vấn đề này xuất phát từ hệ thống pháp lý, chính sách.
“Với vấn đề nguồn vốn thì có các gói hỗ trợ…, trái phiếu doanh nghiệp vướng mắc có Nghị định 65, Nghị định 08. Nguồn vốn có rồi, định hướng rõ tới sản phẩm nhà ở xã hội… nhưng điểm nghẽn cơ bản cuối cùng phải xử lý là pháp lý, làm thế nào để các dự án được phê duyệt, được tham gia thị trường… Chỉ khi giải quyết được bài toán này thì các dự án đầu tư mới được giải quyết các câu chuyện cơ bản”, ông Đính nhận định.
Tổng Hợp
(Dân Việt)