Nghị quyết 33 là bước tiếp theo chương trình tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Thủ tướng và các bộ, ngành đã đưa ra. Đáng chú ý, tại nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ 2 nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và tắc nghẽn dòng tiền.
Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị quyết 33 là Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… Bên cạnh đó, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng.
Đồng tình với giải pháp giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng – cho biết, ông đã nhiều lần đề xuất, Chính phủ cần có chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia cho tất cả doanh nghiệp sắp đến hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đối với vấn đề cơ cấu lại tránh nhảy nhóm nợ, ông Hiếu cho rằng, sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề khi doanh nghiệp vẫn phải thanh toán nợ trong tương lai, tình trạng nợ xấu kéo dài sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Bởi theo ông, phần lớn doanh nghiệp được cơ cấu nợ thì sau 3-5 năm vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Nếu cơ cấu nợ mà doanh nghiệp vẫn không thể phục hồi thì nên xử lý theo quy trình tái cơ cấu, để doanh nghiệp lẫn ngân hàng chủ động biện pháp xử lý, trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu. Nếu không thì cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều mất cảnh giác trong khi bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn đó.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể kiềm chế lạm phát, chẳng hạn như cung tiền qua thị trường mở để ổn định lãi suất. Tuy công cụ đang giới hạn khiến chính sách tiền tệ tiếp tục khó khăn, nhưng nếu các giải pháp Chính phủ đã nêu ra được triển khai quyết liệt, tạo được niềm tin nhà đầu tư, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi. Do đó, về lâu dài, chúng ta cần có thêm các giải pháp để đảm bảo duy trì được thị trường vốn ổn định, bền vững.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc hướng nguồn vốn đến phân khúc, dự án khả thi, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực của người dân là hoàn toàn hợp lý. Thị trường bất động sản thời gian qua tăng nóng làm giá nhà đất tăng quá cao.
“Chúng ta vẫn không có dự án nhà ở giá thấp dù người dân rất cần. Vì vậy việc ưu tiên vốn cho nhà ở bình dân là rất hợp lý để tạo ra nguồn lực phát triển phân khúc này và nâng cao chất lượng an sinh xã hội, nhưng cũng cần đảm bảo những chuẩn mực về tín dụng cho vay bất động sản. Đồng thời, doanh nghiệp phải tính toán, đảm bảo về dòng tiền, chỉ số lợi nhuận, chỉ số đòn bẩy tài chính”, ông Hiếu lưu ý.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khả năng hấp thụ của thị trường còn phụ thuộc vào những điều kiện áp dụng của gói chính sách và hiệu quả của quá trình thực thi. Đồng thời, một trong những trở ngại của các gói tín dụng ưu đãi, đó là nhiều người dân có nhu cầu nhưng không chứng minh được thu nhập để đủ điều kiện vay nếu không có giao dịch qua tài khoản ngân hàng, mặc dù họ là những người có thu nhập và khả năng trả nợ.
“Chính sách, điều kiện tiếp cận chính sách cần đúng quy định nhưng cũng phải được đơn giản hóa hết sức có thể. Hãy cho phép các địa phương giúp người dân chứng minh thu nhập. Cũng lưu ý có cơ chế giám sát để dòng vốn chảy vào đúng chỗ, đúng dự án khả thi, đúng doanh nghiệp có năng lực trả nợ, tránh xảy ra tình trạng người đã có nhà, hay không phải đối tượng có thu nhập thấp nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ, làm xói mòn lòng tin của người dân vào chính sách tốt đẹp của Chính phủ.
Nghị quyết 33 cũng được các chuyên gia đánh giá sẽ tạo ra động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp trong năm nay. Cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội…, đã được định hướng rõ ràng. Từ đây, các địa phương đưa ra giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.
Theo nhận định của các chuyên gia, khi nguồn cung nhà ở xã hội được đưa ra thị trường, giao dịch sẽ sôi động trở lại, vì đánh trúng nhu cầu thực sự. Sức ấm của phân khúc này sẽ lan tỏa hơi nóng tới cả thị trường chung, giúp bất động sản hồi phục trở lại.
Tổng Hợp
(Dân Việt)