Bầu không khí “im ắng” đang bao trùm lên toàn thị trường bất động sản. Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với thời điểm đầu năm khi mà cơn sốt đất liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk,… Nhìn lại những tháng đầu năm 2021, cơn sốt đất nền cũng bùng khắp nơi khiến giá đất tăng dựng đứng.
Lý giải cho tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, trong hai năm vừa qua, dịch COVID-19 đã làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người quyết định bỏ tiền vào đất đai. Tuy nhiên, trước động thái siết chặt thị trường của cơ quan quản lý Nhà nước, thanh khoản trên thị trường thời gian gần đây chứng kiến sự sụt giảm mạnh.
Một môi giới bất động sản tên Hoàng than thở, mấy tuần gần đây, thi thoảng lại có khách hàng nhờ anh rao bán lại đất nền với kỳ vọng hòa vốn. Thậm chí, có trường hợp khó khăn về tài chính, không thể cầm cự được phải chấp nhận bán cắt lỗ. Nhưng rao mãi cũng không tìm được khách mua.
“Đa phần những người bán cắt lỗ đều sử dụng vốn vay nhiều, áp lực nên phải thoát hàng. Còn những nhà đầu tư dài hạn, không quá áp lực về tài chính đang có động thái nghe ngóng thêm, chờ thị trường ấm lên. Chắc chắn sau giai đoạn trầm lắng, thị trường sẽ sôi động trở lại”, môi giới này cho biết.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đang đứng hình, bắt đầu đi vào giai đoạn đóng băng. Tức là thanh khoản giảm rất mạnh, người mua sẽ không dám mua còn người bán đang do dự, không muốn giảm giá nhiều. Song, thị trường đóng băng nhiều khi còn nguy hiểm hơn bong bóng bởi khi đó, những người ôm đất không bán được,…
Thời gian tới, không có khả năng Chính phủ cho phép tăng trưởng tín dụng mà sẽ tiếp tục giữ nguyên việc quản lý tín dụng và dòng vốn vào bất động sản đúng chuẩn. Do đó, vị chuyên gia này dự báo, những doanh nghiệp đã sử dụng vốn vượt quá mức và những nhà đầu cơ bất động sản vay vốn quá mức sẽ gặp khó khăn. Tình trạng này mới bắt đầu và việc đóng băng sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa.
Tuy nhiên, ảnh hưởng ở đây mang tính cục bộ, chỉ ảnh hưởng đến những nhà đầu tư ngắn hạn, có ý định lướt sóng hoặc sử dụng đòn bẩy ngân hàng lớn. Đối với một số nhà đầu tư thực thụ, có dòng tiền nhàn rỗi và đầu tư bài bản dài hạn thì sẽ không ảnh hưởng.
Khan hiếm nguồn cung là tình trạng chung trên thị trường trong hai năm vừa qua. Do chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh nên số lượng dự án mới giảm mạnh. Theo thống kê của DKRA Vietnam, thị trường đất nền TP HCM và các tỉnh giáp ranh trong tháng 5 chỉ ghi nhận 889 sản phẩm mới, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù giá bán thứ cấp tăng phổ biến 7 – 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng thanh khoản trên thị trường đã có sự sụt giảm. Theo DKRA Vietnam, nguyên nhân phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền. Đơn vị này dự báo, nguồn cung và sức cầu phân khúc đất nền sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), do nguồn cung có dấu hiệu tiếp tục khan hiếm, ít nguồn hàng đưa vào thị trường nên những dự án nào ra hàng trong thời gian vừa qua đều trở thành ngôi sao, “hàng hot”.
Điều này dẫn đến giá bị đẩy lên, có những nơi giá đất cao gấp 2 lần, đặc biệt những thị trường lớn như Hà Nội và TP HCM không có bất kỳ hàng nào ra trong giai đoạn vừa rồi, đó là câu chuyện vì sao hai thị trường này có mức giá phi mã”, ông Đính nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, Hà Nội và một số địa phương khác đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung đất nền, tạo ra rào cản rất lớn trong việc phê duyệt để lựa chọn nhà đầu tư, tổ chức thực hiện dự án phát triển tại các vùng. Do không phê duyệt được các dự án chính thống, không có nguồn thu nên các địa phương tạo ra các dự án đấu giá đất để cung cấp nguồn cung cho thị trường.
Tổng Hợp